Loading


Nghị quyết 118/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2020

Số hiệu 118/NQ-CP
Ngày ban hành 10/08/2020
Ngày có hiệu lực 10/08/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Thể thao - Y tế

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/NQ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 7 NĂM 2020

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2020, tổ chức vào ngày 03 tháng 8 năm 2020,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chỉ thị số 11/CT-TTg; tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020; công tác phòng, chống dịch Covid-19

Chính phủ thống nhất đánh giá: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020 chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân có xu hướng giảm dần qua các tháng, bình quân 7 tháng chỉ còn 4,07%. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất nông nghiệp tuy gặp khó khăn do thiên tai nhưng vẫn phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm tăng 5,5%; xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã lấy lại được đà tăng, trong đó giá trị xuất khẩu gạo tăng gần 11% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019. Khu vực dịch vụ trong tháng 7 tăng khá, đặc biệt là du lịch nội địa, vận tải; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 41,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng, 7 tháng tăng 13,5%; xuất siêu 6,5 tỷ USD. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước tháng sau cao hơn tháng trước, 7 tháng đạt 41,3% kế hoạch và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 đạt 32,27%). Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) tháng 7 tăng 76,2% so với tháng 6 và tăng 79,8% so cùng kỳ năm 2019; vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt 10,1 tỷ USD. Trong tháng 7 có 13,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký tăng 72%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các cấp, các ngành cùng nhân dân cả nước tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, trang trọng để tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, người có công với cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng, đã thu hút sự tham gia của toàn xã hội và trở thành nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa của nhân dân ta. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống người dân tiếp tục được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục đẩy mạnh, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, sau 99 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, chúng ta đã phát hiện một số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng ở Đà Nẵng và một số địa phương với nguy cơ lây nhiễm cao trên diện rộng đang tác động mạnh đến đà phục hồi tích cực của nền kinh tế và toàn xã hội. Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn; tiến độ thu ngân sách đạt thấp so với dự toán và cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp... Trong khi đó, nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài, đại dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới, trong đó có những quốc gia, đối tác lớn của ta; căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp và xung đột thương mại giữa nhiều nước tiếp tục leo thang.

Trước bối cảnh tình hình phức tạp, khó dự đoán và có nhiều khó khăn, thách thức, trong thời gian tới đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu cao hơn nữa của từng bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” đã đề ra: vừa quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó chú trọng thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

a) Về phòng, chống dịch Covid-19:

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, theo dõi sát tình hình, bình tĩnh, chủ động ứng phó, bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của người dân. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, trước hết tập trung mọi nguồn lực khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Thành phố Đà Nẵng, không để dịch bệnh lây lan.

- Các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt là bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để tình trạng phức tạp xảy ra trên địa bàn.

- Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các địa phương phối hợp chặt chẽ bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, nhất là việc chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện, công cụ xét nghiệm và nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp kiểm soát chặt hoạt động xuất nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ; xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép.

- Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tái chế vật tư, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, nhất là đối với khẩu trang, găng tay y tế; vi phạm quy định về cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vận động toàn dân cài đặt ứng dụng Bluezone - phần mềm hỗ trợ truy vết người nhiễm Covid-19.

b) Về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội:

Căn cứ tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp hỗ trợ các thành phần kinh tế, người lao động nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội; trong đó tập trung một số nội dung sau:

- Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 và là tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, né tránh nhiệm vụ, trách nhiệm, vi phạm quy định.

- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án đầu tư công; báo cáo tình hình phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho dự án đến ngày 30 tháng 6 năm 2020 và đến ngày 31 tháng 7 năm 2020, dự kiến giải ngân đến ngày 30 tháng 9 năm 2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10 tháng 9 năm 2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 9 năm 2020 về việc cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo đúng thời gian quy định.

- Các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin đầu vào thuộc các ngành, lĩnh vực phụ trách, cung cấp thông tin cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để rà soát, cập nhật số liệu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP quý III, quý IV và cả năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 8 năm 2020.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao các Cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan rà soát, cập nhật và thống nhất thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ước tính quý III, IV năm 2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP sơ bộ 6 tháng đầu năm; ước tính quý III, IV và cả năm 2020 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31 tháng 8 năm 2020.

- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cập nhật kịch bản điều hành quý III, cả năm 2020 và chuẩn bị phương án, giải pháp điều hành năm 2021; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp điều hành để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch cho năm 2021 và 5 năm 2021-2025. Các bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 211/LĐCP ngày 17 tháng 7 năm 2020; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp các nội dung liên quan theo chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2020 để báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Từng bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng để phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển, nhất là từ các công ty đa quốc gia, có công nghệ tiên tiến. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tập trung vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, triển khai quyết liệt nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung lập quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, hoàn thành trong năm 2020. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo quy định tại các Chỉ thị số: 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020; 31/CT-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp, chính sách cần báo cáo Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội cho năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo Chính phủ trong tháng 8 năm 2020.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, người lao động bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; phối hợp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

[...]
1