Loading


Nghị quyết 12/NQ-HĐND năm 2021 về thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 12/NQ-HĐND
Ngày ban hành 17/07/2021
Ngày có hiệu lực 17/07/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Hoàng Trung Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 17 tháng 7 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỈNH HÀ TĨNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Xét Tờ trình số 245/TTr-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chủ yếu sau:

Điều 1. Quan điểm, mục tiêu và các đột phá phát triển

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước, theo định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng; các quy hoạch ngành và lĩnh vực liên quan;

b) Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh theo hướng xanh và bền vững, đảm bảo quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng để đảm bảo phát triển hài hòa;

c) Phát triển nhanh dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới tư duy và hành động, chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong tất cả các ngành kinh tế, tạo đà để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi trọng việc thu hút nhân tài, lực lượng lao động tay nghề cao trong và ngoài nước;

d) Tập trung nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng có lợi thế. Đa dạng hóa các ngành và lĩnh vực ưu tiên. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thu hút đầu tư vào các ngành trọng điểm hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế. Tập trung phát triển theo chiều sâu, tạo động lực mới cho tăng trưởng;

đ) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân;

e) Gắn kết phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Tăng cường liên kết trong phát triển với các địa phương trong cả nước và mở rộng hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát: Phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, yếu tố con người, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng xã hội, bền vững môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng - an ninh; trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước (nằm trong nhóm 20 tỉnh có GRDP cao nhất cả nước);

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

(i) Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả thời kỳ 2021 - 2030 trên 9%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 51%; dịch vụ chiếm 41,8%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 14-15%/năm. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 3,8-4 tỷ USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ đạt khoảng 450-500 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 10-12%/năm;

(ii) Về văn hoá - xã hội: Quy mô dân số năm 2030 khoảng 1.381.800 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 0,5 - 0,6%/năm. Tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi. (12) Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,5-2%/năm. Mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 2 vạn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 50%. 100% trường mầm non, tiểu học và 90% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. (16) Có trên 12 bác sỹ và 32 giường bệnh/1 vạn dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 13,5%. Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%;

(iii) Về bảo vệ môi trường: Giữ ổn định độ che phủ rừng trên 52%. 100% khu công nghiệp, khu đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. 100% chất thải rắn phát sinh tại các khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế được thu gom và xử lý;

(iv) Về quốc phòng - an ninh: Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố thế trận quốc phòng - an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; đảm bảo trật tự kỷ cương trong các hoạt động kinh tế - xã hội;

3. Các định hướng lớn tạo đột phá phát triển

a) Bốn ngành kinh tế trọng điểm: (i) Công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; (ii) Nông, lâm nghiệp và thủy sản; (iii) Dịch vụ logistics; (iv) Du lịch;

[...]
2