Loading


Nghị quyết 127/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 127/NQ-CP
Ngày ban hành 08/10/2021
Ngày có hiệu lực 08/10/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Bình Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 9 NĂM 2021 TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỚI ĐỊA PHƯƠNG VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG NĂM 2021

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, ý kiến các địa phương và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương, tổ chức vào ngày 02 tháng 10 năm 2021,

QUYẾT NGHỊ:

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 9, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt, sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự năng động, sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, bám sát tình hình trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; tỷ lệ nhiễm và tử vong đã giảm rõ rệt tại những vùng tâm dịch; nguồn vắc-xin được bổ sung đáng kể, tổ chức tiêm chủng vắc-xin nhanh chóng, kịp thời hơn, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; nhiều địa phương đã bắt đầu từng bước nới lỏng giãn cách xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III giảm do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn, nhưng tính chung 9 tháng, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 1,42%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,82% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; tín dụng 9 tháng đầu năm tăng 7,39%; lãi suất cho vay thấp hơn trước. Thu ngân sách 9 tháng đạt gần 81% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 9 tháng tăng 22,3% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, an ninh lương thực được bảo đảm. Nhiều địa phương đã nỗ lực, quyết tâm cao và đạt những kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào kết quả chung của cả nước.

Cải cách thể chế tiếp tục được chú trọng; đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, phòng, chống thiên tai. Văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt, thiết thực, an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh, Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao vắc-xin đạt nhiều kết quả quan trọng. Thông tin truyền thông được đẩy mạnh, góp phần tạo đồng thuận xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư do biến chủng Delta gây ra, tăng trưởng kinh tế quý III năm 2021 giảm ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương, đặc biệt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi bị đình trệ; chi phí tăng cao; sức cạnh tranh, sức mua trong nước giảm sút; một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy cục bộ. Tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu gia tăng. Giải ngân vốn đầu tư công thấp. Việc làm, đời sống người dân, người lao động bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn bị giãn cách và tăng cường giãn cách. Năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở. Một số địa phương có lúc, có nơi tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 chưa thống nhất, chưa đồng bộ; thực hiện giãn cách xã hội chưa phù hợp tình hình dịch bệnh, không rõ mục tiêu, chậm trễ trong thi hành các biện pháp y tế.

Thời gian tới, đại dịch COVID-19 dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình thực tiễn, quyết liệt hành động, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII), coi kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; từng bước mở cửa nền kinh tế phù hợp với diễn biến dịch bệnh, độ bao phủ vắc-xin; phấn đấu thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi có đủ điều kiện, bảo đảm an toàn từ tháng 10 năm 2021; trong đó tập trung một số nội dung trọng tâm sau:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:

a) Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy kết quả đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tại các địa phương tâm dịch, khắc phục những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục tập trung, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

b) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch ở các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở; tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, không cát cứ, tách biệt, không áp dụng một cách cực đoan các biện pháp phòng, chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nỗ lực cao nhất để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Linh hoạt, sáng tạo, kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với thực tế từng địa phương; nơi nào phát hiện ổ dịch, nếu phải giãn cách xã hội thì thực hiện ở phạm vi hẹp nhất, gắn với áp dụng biện pháp y tế một cách khoa học và nhanh nhất có thể; tăng cường y tế lưu động. Tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K + vắc-xin, thuốc chữa bệnh, công nghệ và ý thức của Nhân dân trong phòng, chống dịch.

c) Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2021.

d) Các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao…; từng bước mở cửa các nhà máy, phân xưởng sản xuất, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt; chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc ngay tại cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, sử dụng nhiều lao động.

đ) Không ban hành các quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của cơ quan trung ương và gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các địa phương phối hợp chặt chẽ để tổ chức việc di chuyển của người dân, người lao động bảo đảm trật tự, an toàn, an dân; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động ở lại địa phương làm việc.

e) Tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10 năm 2021.

g) Tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sớm ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và đưa vào hoạt động ngay từ tháng 10 năm 2021.

h) Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và công khai kết quả xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 của tháng cuối quý.

i) Khẩn trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó lưu ý nguồn vốn ODA, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 (Thông báo kết luận số 262/TB-VPCP ngày 05 tháng 10 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ); chủ động, tích cực tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

k) Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chỉ duy trì những thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất. Gửi báo cáo kết quả thực hiện đến Bộ Tư pháp trước ngày 20 của tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

l) Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý; khẩn trương xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 và ban hành thông tư hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công để các đơn vị, địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công và kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tại địa phương.

m) Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan thanh tra, các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gắn với lộ trình khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới, trình ban hành trước ngày 15 tháng 10 năm 2021; trong đó làm rõ các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn, đưa công nhân trở lại làm việc... để các địa phương, doanh nghiệp có cơ sở triển khai thực hiện.

b) Tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể. Xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo đảm nguồn vắc-xin và đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu vắc-xin; tổ chức tiêm chủng vắc-xin kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu chiến lược đã đề ra, không để lãng phí; khẩn trương xây dựng lộ trình tiêm cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học. Chủ động xây dựng chiến lược cung ứng và sản xuất thuốc điều trị COVID-19, không để bị động. Nghiên cứu, tổ chức đánh giá hiệu quả việc sinh kháng thể đối với người đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để bổ sung, hoàn thiện các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phù hợp, linh hoạt.

c) Quản lý chặt chẽ việc mua sắm, viện trợ thiết bị, vật tư, sinh phẩm, vắc-xin có hiệu quả và đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng và kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền những vấn đề phát sinh.

[...]
3