Loading


Nghị quyết 128/NQ-HĐND năm 2022 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 128/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Xuân Ký
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 300/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 6067/TTr-UBND ngày 30/11/2022 và Báo cáo số 281/BC-UBND ngày 30/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành với Báo cáo số 281/BC-UBND ngày 30/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2022; ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Ủy ban nhân dân các cấp, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cao với đánh giá, nhận định: Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có những thuận lợi đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; song kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; giữ vững sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội. Giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 02 con số trong 07 năm liên tiếp (2016 - 2022), lập lên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới, GRDP năm 2022 ước đạt 10,28%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 56.500 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình chiến lược, dự án động lực để Nhân dân được hưởng lợi và phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội như: đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Cửa Lục I, hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số Km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phát triển văn hóa, xã hội, con người, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm hơn, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa có chiều sâu, hiệu quả và bền vững vì chất lượng đời sống nhân dân. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19. Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Năm 2023 là năm có tính bản lề và ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra và cũng là năm kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2023). Tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu (lạm phát, giá cả tăng cao, thắt chặt tín dụng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực…). Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cao với Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân, với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo. Chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác. Huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững hai con số. Xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển đô thị bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

Về kinh tế: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 10%. (2) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 54.000 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt trên 12.000 tỷ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất. (3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1,0 tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. (4) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 11%. (5) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 69%. (6) Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.

Về xã hội: (7) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 86,46%; tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 45,67%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 39%. (8) Đạt 55 giường bệnh/1 vạn dân; 15 bác sỹ/1 vạn dân; 2,7 dược sỹ đại học/1 vạn dân; trên 24 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,25% dân số. (9) Phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh.

Về môi trường: (10) Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9% (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hạnh đạt trên 70%). (11) Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,3%. (12) Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung phòng, chống kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân

Giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và thông điệp “2K” của Bộ Y tế, tiêm vắc - xin đầy đủ và đúng lịch. Tăng cường quản lý dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, khám chữa bệnh và phòng, chống tiêu cực. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch; tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng để chủ động, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh mới, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Xây dựng và triển khai Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng. Chăm lo cải thiện môi trường làm việc, nâng cao thu nhập, khuyến khích học tập nâng cao trình độ chuyên môn sâu đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

2. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế

2.1. Đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than

Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo định hướng tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy. Tập trung hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư FDI thế hệ mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, không để lãng phí đất đai. Xây dựng chiến lược, kế hoạch vận động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chiến lược phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn ngân sách. Quan tâm phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài khu công nghiệp, nhất là nhà ở công nhân, lao động; cấp điện, cấp thoát nước… Chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, điện tử, chế biến chế tạo để ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh.

Đẩy mạnh thăm dò, đánh giá trữ lượng than; tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ngành Than tăng cường đầu tư, hoàn thành các dự án nâng cao năng lực sản xuất than, điện lực đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu; phát triển lĩnh vực nhập khẩu, pha trộn than tại Quảng Ninh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước theo mô hình “Sản xuất - Thương mại than” ổn định, bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm”... Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản phân tán nhỏ lẻ và đóng cửa các mỏ đá, sét đúng lộ trình quy hoạch. Duy trì ổn định hoạt động kinh doanh xăng dầu, sản xuất phân phối điện; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại thành phố Cẩm Phả và Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô tại Khu công nghiệp Việt Hưng. Phát triển tối đa lĩnh vực xây dựng công nghiệp và dân dụng; khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng tại chỗ.

2.2. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chú trọng thu hút đầu tư phát triển hệ thống logistics, các trung tâm thương mại và chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững. Phát triển mạnh thương mại điện tử, thương mại biên giới; hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các cửa hàng OCOP. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế gắn với du lịch khám, chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Phát triển lành mạnh dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; mở rộng mạng lưới các công ty Chứng khoán tại Quảng Ninh hoạt động ổn định, an toàn, bền vững, hiệu quả.

Phục hồi và phát triển mạnh mẽ du lịch sau đại dịch, nhất là du lịch quốc tế, phát huy vai trò ngành kinh tế mũi nhọn gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; trọng tâm là thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị của thiên nhiên, con người, văn hóa Quảng Ninh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các vùng biển đảo của tỉnh, khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động, tăng mức chi tiêu và doanh thu du lịch. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, cao cấp. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc ở các địa phương khu vực miền đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh. Tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia, các dự án trọng điểm phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ tại Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái…, tạo bước đột phá hướng tới mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới, tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ