Loading


Nghị quyết 130/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022

Số hiệu 130/NQ-CP
Ngày ban hành 06/10/2022
Ngày có hiệu lực 06/10/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN CHÍNH PHỦ VỚI ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 9 NĂM 2022

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, ý kiến các đại biểu dự họp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022, tổ chức vào ngày 01 tháng 10 năm 2022,

QUYẾT NGHỊ:

I. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2022

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 9, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột tại U-crai-na tiếp tục kéo dài; lạm phát ở mức cao, việc tăng mạnh lãi suất điều hành và xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến tăng trưởng suy giảm, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế còn nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu còn hạn chế; trong khi đó dịch bệnh, thiên tai, bão lũ gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống...

Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, với sự đoàn kết thống nhất cao, thực hiện quyết liệt, tập trung, linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; kịp thời xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp, hiệu quả, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022 tiếp tục phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục dược duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng đạt cao, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý III đạt 13,67%, tính chung 9 tháng tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất từ năm 2011 đến nay, Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018 - 2021. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1 % so với cùng kỳ, xuất siêu 6,52 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 12,5% so với cùng kỳ; giải ngân vốn FDI đạt 15,4 tỷ USD, cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,63% so với cùng kỳ. Nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 2,99% so với cùng kỳ; an ninh lương thực được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 21% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,6% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam, trong đó: Ngân hàng Thế giới tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 7,2% năm 2022; Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập - Brand Finance đánh giá Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (74% giai đoạn 2019 - 2022)...

Công tác phòng, chống dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; đã đạt và vượt 3/5 chỉ tiêu của ngành y tế. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao được quan tâm; đã tổ chức đón bằng ghi danh của UNESCO công nhận nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thứ 14 tại Việt Nam. Thị trường lao động tiếp tục phục hồi; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong 9 tháng năm 2022, thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi đã giải ngân trên 77 nghìn tỷ đồng cho gần 1,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Tổ chức tốt khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; công tác bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới được quan tâm thực hiện.

Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Tiến trình chuyển đổi số trên các ngành, lĩnh vực được triển khai tích cực. Tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan tiếp tục được tinh gọn, giảm đầu mối, cấp trung gian. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân. Hoạt động đối ngoại được thực hiện linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, vừa tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài và xử lý kịp thời tình huống phát sinh; chủ động ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại của cơn bão số 4 (bão Noru). Trong đó, đã hoàn thành 09/38 nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, còn 29/38 nhiệm vụ đang được tiếp tục thực hiện (trong đó có 03 nhiệm vụ quá hạn).

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn những khó khăn, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực lạm phát còn cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng. Một số thị trường xuất khẩu có dấu hiệu thu hẹp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; tiến độ tiêm vắc-xin chậm so với yêu cầu; chưa xử lý dứt điểm việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông trên một số địa bàn còn phức tạp...

Thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, gia tăng khả năng suy thoái kinh tế; cạnh tranh chiến lược và xung đột quân sự tại một số khu vực tiếp tục gay gắt... Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, dễ phát sinh những vấn đề khó lường, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý IV năm 2022 và năm 2023.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022, trong đó, tập trung vào những nội dung sau:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại tệ, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp.

b) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tạo niềm tin công chúng, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định sản xuất, kinh doanh, tránh thông tin tạo tâm lý kỳ vọng lạm phát, tỷ giá.

c) Khẩn trương triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với các ngân hàng yếu kém; hoàn thiện phương án xử lý ngân hàng thương mại yếu kém còn lại.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.

b) Tập trung triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Triển khai các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để có phản ứng chính sách thống nhất, kịp thời, đáp ứng với điều kiện nguồn lực của nền kinh tế. Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm các thủ tục, quy định hành chính không cần thiết để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối hiệu quả doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

b) Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

4. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ