Loading


Nghị quyết 131/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2017

Số hiệu 131/NQ-CP
Ngày ban hành 06/12/2017
Ngày có hiệu lực 06/12/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 131/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 11 NĂM 2017

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2017, tổ chức vào ngày 01 tháng 12 năm 2017,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2017, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017

Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; lãi suất cho vay giảm nhẹ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh, nhất là ngành chế biến, chế tạo. Khu vực dịch vụ duy trì đà phát triển khá. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu 48 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh được tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt. Công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực. Với sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã được tổ chức chu đáo, thành công, tạo dấu ấn Việt Nam với nhiều sáng kiến được thông qua, được dư luận quốc tế đánh giá cao, góp phần khẳng định uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn. Nhiều vấn đề xã hội như: tình trạng bạo hành trẻ em; buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; vệ sinh an toàn thực phẩm... gây bức dư luận xã hội. Trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng còn xảy ra nhiều.

Trong tháng cuối của năm 2017, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các địa phương là trung tâm kinh tế tập trung nỗ lực cao nhất, đề cao vai trò người đứng đầu, tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm; phấn đấu đạt kết quả tốt nhất, toàn diện nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, chủ động có các giải pháp điều hành phù hợp, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2017, bảo đảm thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công (đã ký kết và thực hiện) sử dụng nguồn vốn vay kém ưu đãi như OCR của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hay IBRD của Ngân hàng Thế giới (WB), đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tìm kiếm nguồn vốn vay phù hợp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần các Nghị quyết số 19/NQ-CP35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ hành chính điện tử trong đăng ký kinh doanh.

- Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách; tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng và các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, có giải pháp phù hợp giảm thiểu biến động về giá cả, thị trường; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm.

- Bộ Công Thương chủ động nắm bắt thông tin về điều chỉnh chính sách nhập khẩu của các nước đối tác để có phản ứng chính sách kịp thời. Theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời có giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng dịp cuối năm và Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; bảo đảm cung ứng đủ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng bị thiên tai, bão lũ.

- Các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quyết liệt triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo đúng lộ trình đã phê duyệt; đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, nhất là ở một số doanh nghiệp lớn, bảo đảm minh bạch, theo cơ chế thị trường, chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.

- Chuyển giao Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (hiện do Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước quản lý) và Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con có số dư tại thời điểm 31/12/2017 về Bộ Tài chính trực tiếp quản lý theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Khoản 4 Điều 39 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017; trước mắt tạm nộp toàn bộ số dư bằng tiền các quỹ trên về Bộ Tài chính trước ngày 10/12/2017. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc quyết toán theo nguyên tắc được quy định tại Điều 44 và Điều 48 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và các quy định có liên quan.

- Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng thể về các dự án BOT, đặc biệt là dự án BOT Cai Lậy, Tiền Giang; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả Quỹ bảo trì đường bộ trong tháng 12 năm 2017. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về logistic để bàn giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trong quý I năm 2018.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 đã được phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ để sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất của Nhân dân, không để người dân bị đói, không có chỗ ở. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống thiên tai, trình Chính phủ theo trình tự thủ tục rút gọn trong quý I năm 2018. Tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa triệt để tình trạng khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép; chủ động giải pháp phòng, chống cháy rừng, nhất là vào mùa khô. Chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai; Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông và các địa phương ven biển tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho ngư dân, quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn ngừa tình trạng xâm phạm lãnh hải nước ngoài trái phép đánh bắt hải sản.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đề xuất cơ chế, chính sách về xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong khu công nghiệp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể và nhà đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2018.

- Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung thực hiện các giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trong đó chú trọng xúc tiến chuyển giao, ứng dụng công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước từ các nước tiên tiến trên thế giới. Đẩy mạnh đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện trong tháng 12 năm 2017.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương và đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để xảy ra tình hạng bạo hành trẻ em. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về giải pháp phòng, chống bạo hành trẻ em. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em.

- Bộ Văn hóa và Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương thực hiện tốt Phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa. Khuyến khích, vận động Nhân dân tham gia, hưởng ứng xây dựng con người Việt Nam có lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh, tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn; đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động phương án ứng phó và kịp thời xử lý, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu và hoạt động chống phá, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

- Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống cháy nổ; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cung cấp thông tin trung thực, kịp thời, khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Khẩn trương thực hiện việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin theo quy định tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, theo hướng thống nhất giao cho đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin hiện có làm đầu mối tham mưu, quản lý về an toàn hệ thống thông tin, không để xảy ra tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ