Loading


Nghị quyết 138/NQ-CP năm 2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 138/NQ-CP
Ngày ban hành 25/10/2022
Ngày có hiệu lực 25/10/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/NQ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 6697/TTr-BKHĐT ngày 20 tháng 9 năm 2022, Công văn số 6827/BKHĐT-CLPT ngày 25 tháng 9 năm 2022 và Công văn số 7370/BKHĐT-CLPT ngày 14 tháng 10 năm 2022;

Trên cơ sở kết quả biểu quyết của các Thành viên Chính phủ.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội xem xét, quyết định với các nội dung chủ yếu như Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia và nội dung chủ yếu đã được Chính phủ quyết nghị tại Điều 1 để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, CN (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG





Lê Văn Thành

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ)

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển

a) Quan điểm phát triển: Quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030.

- Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

- Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách đều phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia để tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá.

b) Quan điểm về tổ chức không gian phát triển

- Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả; đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt cho một số địa bàn khó khăn để phát triển phù hợp và thu hẹp dần khoảng cách với địa bàn thuận lợi.

[...]
3