Loading


Nghị quyết 143/NQ-CP năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 143/NQ-CP
Ngày ban hành 04/10/2020
Ngày có hiệu lực 04/10/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/NQ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Theo đề nghị của Hội đồng Quy hoạch quốc gia tại Tờ trình số 4596/TTr-HĐQHQG ngày 17 tháng 7 năm 2020.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch

a) Tên quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là quy hoạch tổng thể quốc gia).

b) Thời kỳ quy hoạch: Quy hoạch được lập cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c) Ranh giới quy hoạch: Toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Mục tiêu, Quan điểm và nguyên tắc lập quy hoạch

a) Mục tiêu lập quy hoạch

- Là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; là cơ sở để lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm.

- Đề xuất các quan điểm, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 hướng tới phát triển bền vững trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng.

b) Quan điểm và nguyên tắc lập quy hoạch

- Bảo đảm tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch.

- Quy hoạch tổng thể quốc gia phải phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng cấp quốc gia và có tính liên vùng.

- Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.

- Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

[...]
2