Loading


Nghị quyết 160/2024/QH15 phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 do Quốc hội ban hành

Số hiệu 160/2024/QH15
Ngày ban hành 13/11/2024
Ngày có hiệu lực 28/12/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 160/2024/QH15

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG NĂM 2025

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14;

Căn cứ Nghị quyết số 159/2024/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 40/BC-CP, Báo cáo số 41/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 155/BC-UBTCNS15-m ngày 20 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 1053/BC-UBTVQH15 ngày 12 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tổng số thu và chi ngân sách trung ương năm 2025

1. Tổng số thu ngân sách trung ương là 1.020.164 tỷ đồng (một triệu, không trăm hai mươi nghìn, một trăm sáu mươi tư tỷ đồng).

Tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng (chín trăm bốn mươi sáu nghìn, sáu trăm bảy mươi lăm tỷ đồng).

Sử dụng 60.000 tỷ đồng (sáu mươi nghìn tỷ đồng) nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng (năm mươi nghìn, sáu trăm mười chín tỷ đồng) nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

2. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.523.264 tỷ đồng (một triệu, năm trăm hai mươi ba nghìn, hai trăm sáu mươi tư tỷ đồng), trong đó: dự toán 248.786 tỷ đồng (hai trăm bốn mươi tám nghìn, bảy trăm tám mươi sáu tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và tăng 917,3 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Nghệ An để thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An), dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm số bổ sung 14.434,4 tỷ đồng để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2025 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).

Điều 2. Phân bổ ngân sách trung ương năm 2025

1. Phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng Bộ, cơ quan trung ương theo các phụ lục số I, II, III và IV kèm theo Nghị quyết này.

2. Phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo Phụ lục số V kèm theo Nghị quyết này.

3. Số bổ sung cân đối ngân sách, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo Phụ lục số VI, Phụ lục số VII kèm theo Nghị quyết này.

4. Mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo Phụ lục số VIII kèm theo Nghị quyết này.

Điều 3. Đối với các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền

1. Cho phép bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí chi thường xuyên theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị này (ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) theo Báo cáo số 41/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.

Bố trí dự toán chi thường xuyên đầu năm theo Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ đối với các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công thuộc lĩnh vực chi an ninh, quốc phòng (bao gồm nhiệm vụ hỗ trợ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương cho một số địa phương thực hiện nhiệm vụ dự bị động viên).

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện nộp ngân sách nhà nước chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bao gồm chi hoạt động nghiệp vụ và chi bộ máy quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Trong tổ chức thực hiện, sau khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sửa đổi, bãi bỏ các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, căn cứ vào quy định của pháp luật, Chính phủ quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về việc điều chỉnh dự toán của các cơ quan, đơn vị này, tổng hợp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Điều 4. Giao Chính phủ

1. Giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án chuyển tiếp theo tiến độ; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

[...]
1