Loading


Nghị quyết 19/2011/QH13 kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề do Quốc hội ban hành

Số hiệu 19/2011/QH13
Ngày ban hành 26/11/2011
Ngày có hiệu lực 26/11/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Nghị quyết số: 19/2011/QH13

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VÀ ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU KINH TẾ, LÀNG NGHỀ

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;

Căn cứ Nghị quyết số 54/2010/QH12 về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo kết quả giám sát số 39/BC-UBTVQH13 ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 170/BC-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quốc hội tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề với những đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế và yếu kém, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và các kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề; đồng thời, nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

1. Việc hình thành và xây dựng các khu kinh tế ven biển gắn với bảo vệ môi trường tại các địa phương là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Hiện nay, hầu hết các khu kinh tế mới bắt đầu đi vào hoạt động, các hạng mục công trình ở nhiều khu kinh tế còn ở giai đoạn quy hoạch hoặc san lấp mặt bằng hoặc đang xây dựng nên chất lượng môi trường chưa đến mức báo động. Trong tương lai, khi các khu kinh tế được hoàn thành và đi vào hoạt động mà công tác bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ rất cao, việc xử lý ô nhiễm môi trường lúc đó rất tốn kém và khó khăn;

2. Làng nghề và làng có nghề ở nước ta xuất hiện từ rất lâu đời, có nơi có lịch sử tới hàng trăm, hàng nghìn năm. Hiện nay, cả nước có trên 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Hoạt động sản xuất trong các làng nghề đã và đang có nhiều đóng góp vào ổn định đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động trong cả nước. Phần lớn các làng nghề chưa có quy hoạch hợp lý, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen với khu dân cư, công nghệ lạc hậu và thiếu ổn định nên ô nhiễm môi trường khó kiểm soát, xử lý và khắc phục, có nơi ngày càng trở nên trầm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân tại địa bàn, nhất là người lao động trực tiếp;

3. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế và làng nghề đã từng bước được xây dựng nhưng thường ban hành chậm, còn thiếu, chưa đồng bộ, có những quy định chồng chéo, khó triển khai thực hiện. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đã được ban hành nhưng chậm được áp dụng, tính khả thi thấp, nhất là đối với các làng nghề;

4. Bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương đã từng bước được kiện toàn. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường đối với các khu kinh tế chưa chặt chẽ; việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với làng nghề tại không ít địa phương còn chồng chéo, bất cập;

5. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những tiến bộ, nhưng chưa được thường xuyên; việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm, đa số chưa áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật và xã hội hóa về bảo vệ môi trường đã được quan tâm thực hiện, nhưng nội dung chưa phù hợp với thực tế nên hiệu quả thấp.

Điều 2.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung:

a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế và làng nghề; hoàn thiện hướng dẫn đánh giá thiệt hại, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra đối với môi trường, sức khỏe con người. Trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đúng kế hoạch theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định cụ thể về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề;

b) Ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; quản lý chặt chẽ việc chuyển giao công nghệ, nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tại các khu kinh tế và làng nghề; sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường;

c) Tổ chức phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các khu kinh tế, làng nghề thường xuyên và có hiệu quả nhất. Đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề;

d) Thực hiện tốt công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường; có cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề;

đ) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, công tác hậu thẩm định đánh giá tác động môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các khu kinh tế và làng nghề; kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường và đầu tư đối với công tác bảo vệ môi trường.

2. Đối với khu kinh tế ven biển:

a) Xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế ven biển phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng, miền gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng và an ninh, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế về khả năng đầu tư, năng lực quản lý, cơ sở hạ tầng của cả nước và của địa phương;

b) Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về chức năng quản lý của Ban quản lý khu kinh tế ven biển phù hợp với sự phân cấp quản lý nhà nước và đặc điểm của khu kinh tế; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quản lý môi trường; quy định cụ thể về thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu kinh tế ven biển;

c) Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu kinh tế, trong đó chú trọng việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung.

3. Đối với làng nghề:

a) Xây dựng chiến lược phát triển làng nghề gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường và các chương trình về xây dựng nông thôn mới. Làm rõ các khái niệm về làng nghề, làng nghề truyền thống một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bổ sung quy định tiêu chí bảo vệ môi trường vào các tiêu chí để công nhận làng nghề. Đổi mới công tác quản lý làng nghề bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, sản phẩm làng nghề;

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ