Loading


Nghị quyết 23/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2018

Số hiệu 23/NQ-CP
Ngày ban hành 08/04/2018
Ngày có hiệu lực 08/04/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 3 NĂM 2018

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2018, tổ chức vào ngày 02 tháng 4 năm 2018,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; kịch bản tăng trưởng năm 2018

Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2018 tiếp tục xu thế phát triển tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh; thu ngân sách nhà nước đạt khá; đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,4%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I tăng 22%, xuất siêu đạt khoảng 1,3 tỷ USD; cơ cấu nhập khẩu tích cực. Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Sản xuất nông nghiệp phục hồi rõ nét và đạt mức tăng trưởng 4,05%, gấp gần hai lần so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, đạt 11,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính; ngành khai khoáng đã tăng trở lại sau hai năm liên tục giảm. Tổng cầu và sức mua tiếp tục tăng; khách du lịch quốc tế tăng 30,9% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và an toàn thực phẩm được quan tâm thực hiện. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, lao động, việc làm... được triển khai hiệu quả. An ninh, quốc phòng được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động chính trị, đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tổ chức chu đáo và thành công tốt đẹp, đem lại nhiều kết quả thiết thực. Hoàn thành tốt nhiệm vụ nước chủ nhà, tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 tại Hà Nội.

Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta còn một số hạn chế, tồn tại như: số doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp hơn cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách trung ương đạt thấp; tình hình tai nạn giao thông và an toàn cháy nổ diễn biến phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản; tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống; tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động nhiều mặt đến nước ta.

Chính phủ thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 tối thiểu 6,7% và quyết tâm phấn đấu đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo; đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc, bảo đảm phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nỗ lực, chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chủ động đề xuất và có các giải pháp, đối sách phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đôn đốc, kiểm tra, đổi mới, sáng tạo, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trên từng ngành, từng lĩnh vực; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế - xã hội và việc thực hiện kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực và cả nước, hằng quý báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp chỉ đạo, điều hành cụ thể. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

- Từng bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình thực tế, cập nhật kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, từng địa phương; thường xuyên rà soát, xác định khả năng thực hiện kịch bản để có các giải pháp phù hợp; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các bộ, cơ quan quản lý giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu chủ động, phối hợp chặt chẽ vơi Bộ Tài chính để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá theo mức độ và thời điểm hợp lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật; tập trung tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo sát sao, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực; đồng thời khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, kiên quyết không để chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá; kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Quản lý chặt chẽ các giao dịch thanh toán điện tử. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái với quy định pháp luật. Quản lý tốt tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu phát sinh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán. Đẩy mạnh cơ cấu lại các hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

- Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; quản lý tốt thu ngân sách, chống chuyển giá, trốn thuế, mở rộng cơ sở thuế; mở rộng việc áp dụng hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi phí hội họp, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, đi công tác trong và ngoài nước; tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đề xuất việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

- Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh công tác giao chi tiết kế hoạch vốn và thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, trong đó ưu tiên giải ngân nhanh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn ứng trước, tập trung đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến xây dựng, đấu thầu, thanh quyết toán. Riêng đối với kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, cho phép các địa phương được bố trí kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2018 cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (vốn trong nước) đến ngày 30 tháng 9 năm 2017 giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch vốn năm 2017 được giao đầu năm.

- Phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp về trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giảm thiểu tai nạn giao thông, cháy nổ và bảo đảm an ninh trật tự tại một số địa bàn Tây Nguyên.

- Phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã nêu tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ.

- Phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sơ kết chương trình khởi nghiệp sáng tạo và chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Phân công Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ các đột phá chiến lược, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong tháo gỡ những khó khăn, giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện các công trình, dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, năng lượng, sản xuất công nghiệp trọng điểm để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan có giải pháp ứng phó, xử lý kịp thời trước những thay đổi chính sách thương mại của các nước tác động đến xuất khẩu; chuẩn bị kỹ nội dung để tổ chức Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp; nghiên cứu có biện pháp phòng vệ đúng cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước. Có giải pháp, chính sách đẩy mạnh phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường trong nước, hệ thống phân phối bán lẻ và các hình thức kinh doanh thương mại mới, thương mại điện tử.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường dự báo, khuyến cáo sản xuất nông sản, bảo đảm cân đối cung cầu, rà soát lại các quy hoạch của từng ngành hợp lý. Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động nông dân tham gia hợp tác xã kiểu mới. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) có giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản chính ngạch, tiến tới giảm dần thương mại tiểu ngạch.

- Bộ Giao thông vận tải khẩn trương có phương án đẩy nhanh tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đã có chủ trương; trong đó chú ý tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng, ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp với các địa phương tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và Hội nghị về tăng cường quản lý đất tại các nông lâm trường quốc doanh.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý giáo dục, quan tâm chỉ đạo các vấn đề cụ thể liên quan đến môi trường giáo dục, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, xử lý nghiêm các trường hợp bạo lực học đường; kiểm tra cơ sở vật chất trường học, nhất là an toàn thực phẩm và điều kiện nhà vệ sinh trong trường học.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ