Loading


Nghị quyết 24/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2022

Số hiệu 24/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/07/2022
Ngày có hiệu lực 12/07/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Thị Thu Hồng
Lĩnh vực Đầu tư

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/NQ-HĐND

Bắc Giang, ngày 12 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2018-2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Xét Tờ trình số 384/TTr-HĐND ngày 27 tháng 6 năm 2022 của Thường trực HĐND tỉnh; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá việc chấp hành pháp luật trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đánh giá những ưu điểm và hạn chế, tồn tại trong việc chấp hành pháp luật trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022 tại Báo cáo số 95/BC-ĐGS ngày 27/6/2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh, với những nội dung chính như sau:

1. Ưu điểm

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nên đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, đã thành lập 08 khu công nghiệp, trong đó trước năm 2018 có 05 khu công nghiệp (Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung, Hòa Phú) với tổng diện tích 1.260,3 ha; giai đoạn 2018 - 2022 thành lập 03 khu công nghiệp (Việt Hàn, Tân Hưng, Yên Lư) với tổng diện tích 523,3 ha; ngày 27/5/2022, tỉnh tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cho phép mở rộng khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 1 với diện tích 85 ha. Toàn tỉnh đã thành lập 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.728ha, trong đó 34 cụm công nghiệp thành lập trước năm 2018; 11 cụm công nghiệp được thành lập ở giai đoạn 2018 - 2022 với diện tích 630,72 ha; hiện đã có 31/45 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích 969 ha. Trong giai đoạn 2018 - 2022, đã thu hút được 200 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký quy đổi đạt 3.490 triệu USD và 47 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 920,9 tỷ đồng và 71,09 triệu USD. Sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu nộp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm... thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng trong quá trình thu hút đầu tư, trong quản lý và hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm chính trên một số lĩnh vực. Cụ thể:

UBND tỉnh chưa kịp thời ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh để thay thế (hoặc sửa đổi, bổ sung) Quy chế kèm theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của UBND tỉnh; chưa ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp theo quy định tại khoản 3, Điều 14, Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16/11/2020 của Bộ Công thương.

Tiến độ đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm. Hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào một số khu công nghiệp, nhất là hệ thống giao thông chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, đầu tư chưa đồng bộ, còn hạn chế về khả năng kết nối khu vực hoặc đã xuống cấp nhưng chưa kịp thời duy tu, bảo dưỡng. Việc phối hợp giúp doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm đúng mức.

Ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, năng lượng mặt trời; trình độ công nghệ ở mức trung bình, chủ yếu thực hiện ở công đoạn gia công. Chưa thu hút được nhiều dự án FDI lớn có sức lan tỏa, các tập đoàn đa quốc gia, có giá trị gia tăng cao, có đóng góp lớn cho ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều dự án trong khu công nghiệp có quy mô nhỏ; tỷ lệ vốn thực hiện/vốn đăng ký của nhiều dự án đạt thấp. Một số dự án đầu tư thứ cấp còn triển khai chậm, còn tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường. Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp đa số chưa chấp hành chế độ báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh theo quy định.

Công tác dự báo, lập quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp còn hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Công tác quản lý khai thác, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng do nhà nước đầu tư tại các cụm công nghiệp chưa tốt; việc quản lý hoạt động đối với các dự án thứ cấp trong các cụm công nghiệp chưa chặt chẽ.

Công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác hậu kiểm chưa được quan tâm đúng mức; thanh tra, kiểm tra chưa có trọng tâm, trọng điểm; thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với các dự án trong các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Tình hình dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư; hệ thống các quy định pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, thường xuyên thay đổi. Một bộ phận người dân gây khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức trong việc giải quyết các công việc liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa cao. Nhận thức của một số nhà đầu tư đối với các quy định của nhà nước về đầu tư, kinh doanh còn hạn chế.

Điều 2. Kiến nghị

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tập trung thực hiện tốt một số việc sau:

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; có kế hoạch, lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã nêu tại Báo cáo số 95/BC-ĐGS ngày 27/6/2022 của Đoàn giám sát.

2. Chỉ đạo rà soát, đánh giá các quy định, cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan tới quản lý, thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp để kịp thời ban hành mới, ban hành thay thế, sửa đổi, bổ sung đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban quản lý các khu công nghiệp, ban hành Quy chế phối hợp quản lý đối với các khu công nghiệp giữa Ban Quản lý khu công nghiệp với các cơ quan thuộc UBND tỉnh theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ; ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trong đó phân công rõ trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý tại cụm công nghiệp.

3. Chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng các khu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, phát triển công nghiệp đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ để tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp” hoàn chỉnh.

4. Thực hiện rà soát và có lộ trình đưa ra khỏi quy hoạch các cụm công nghiệp không đảm bảo quy định, không còn phù hợp; Điều chỉnh quy hoạch một số cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế.

5. Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Dành nguồn lực đầu tư hạ tầng bên ngoài hàng rào khu công nghiệp đảm bảo tính kết nối, đồng bộ với hệ thống hạ tầng bên trong và phù hợp với các quy hoạch có liên quan được duyệt. Rà soát, kiểm tra hệ thống thu gom xử lý nước thải, đường giao thông xung quanh các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động trước năm 2018 để có giải pháp khắc phục những bất cập hạn chế tại các khu vực này.

6. Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng bên trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch chi tiết được duyệt, nhất là các công trình công cộng, cây xanh, bảo vệ môi trường. Cụ thể: Các khu công nghiệp Hòa Phú, Vân Trung, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng và các cụm công nghiệp Lăng Cao, Yên Lư, Việt Nhật.

7. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn thu hút dự án đầu tư; tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, xác định các ngành nghề trọng tâm phát triển công nghiệp của tỉnh. Thực hiện phân vùng chức năng ngay trong từng khu công nghiệp để thu hút đầu tư (vùng ưu tiên để thu hút dự án trọng điểm của khu công nghiệp, vùng thu hút dự án vệ tinh có suất đầu tư thấp hơn...); phân định cụ thể ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp nhằm tránh sự cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp và bất cập trong quá trình dự án đi vào hoạt động.

[...]
2