Nghị quyết 297/NQ-UBTVQH14 năm 2016 về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
Số hiệu | 297/NQ-UBTVQH14 |
Ngày ban hành | 02/11/2016 |
Ngày có hiệu lực | 02/11/2016 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Người ký | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin |
ỦY BAN THƯỜNG VỤ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 297/NQ-UBTVQH14 |
Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2016 |
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 1076/NQ-UBTVQH13 ngày 15/12/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Báo cáo số 26/BC-ĐGS ngày 28/9/2016 của Đoàn giám sát về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo,
QUYẾT NGHỊ:
1. Về phát triển khoa học và công nghệ
Hệ thống chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ tiếp tục được hoàn thiện; công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từng bước được đổi mới. Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã có bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Nhân lực khoa học và công nghệ tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng. Hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị từng bước được đầu tư đổi mới. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hỗ trợ thành lập và bước đầu phát triển. Thị trường khoa học và công nghệ từng bước gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, thu hút nhân tài, phát huy sáng tạo. Chậm chuyển đổi hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phương thức đầu tư, cơ chế tài chính trong khoa học và công nghệ chậm đổi mới, nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế. Chưa tạo môi trường thực sự minh bạch, thúc đẩy sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển chậm. Thiếu chính sách và giải pháp đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, những lĩnh vực mũi nhọn. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn thiếu tính kế thừa, chưa gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học chưa đi vào chiều sâu, thiếu trọng tâm. Thiếu các tập thể khoa học mạnh, nhóm nghiên cứu xuất sắc, cán bộ đầu ngành, các tổ chức khoa học và công nghệ ngang tầm khu vực và quốc tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị nghiên cứu còn thiếu, lạc hậu và chưa đồng bộ. Cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin chưa được chú trọng đầu tư phát triển. Phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; bố trí ngân sách ở nhiều địa phương cho hoạt động khoa học và công nghệ chưa bảo đảm tỷ lệ quy định; sử dụng ở một số ngành, địa phương và tổ chức chưa hiệu quả. Các khu công nghệ cao chậm đi vào hoạt động, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao. Các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia hiệu quả hoạt động thấp. Thị trường khoa học và công nghệ chậm phát triển. Mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với ứng dụng, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu.
Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Trình độ công nghệ của nhiều ngành sản xuất trong nước thua kém các nước tiên tiến trên thế giới đến hai, ba thế hệ. Nhận thức của một số chính quyền và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa sâu sắc, đầy đủ về vị trí và vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ chưa chặt chẽ; còn lúng túng cụ thể hóa các mục tiêu và lồng ghép nội dung Chiến lược khoa học và công nghệ vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
2. Về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo
Các văn bản về phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo được ban hành khá nhiều. Ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo được ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ các Quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn đạt được kết quả nhất định. Cơ sở vật chất, kỹ thuật về công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo đã được đầu tư, nâng cấp. Hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ, thị trường công nghệ đã góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Tuy nhiên, còn nhiều cơ chế, chính sách chưa phù hợp, nhất là về vốn, thuế và hỗ trợ phát triển; quản lý nhà nước về cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ còn yếu và bất cập; kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm còn rất hạn chế, thiếu tập trung, chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, chưa đa dạng hóa nguồn đầu tư. Chưa khuyến khích và đảm bảo cho doanh nghiệp sử dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Các tổ chức khoa học và công nghệ trong công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo hoạt động hiệu quả chưa cao, sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu trong ngành còn yếu. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này còn thiếu; chưa có cơ chế hấp dẫn thu hút cán bộ khoa học và công nghệ giỏi làm việc. Quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế thấp, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, duy trì lâu sự bao cấp của Nhà nước và sự bảo trợ lớn đối với doanh nghiệp nhà nước nên không tạo động lực đủ mạnh cho công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo đầu tư đổi mới và phát triển công nghệ.
1. Về phát triển khoa học và công nghệ
a) Đảm bảo tiến độ và chất lượng sửa đổi các luật liên quan đúng Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật. Đến cuối năm 2017 rà soát xong các văn bản pháp luật có liên quan đến khoa học và công nghệ để từ năm 2018 đề xuất việc sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét, ban hành hoặc Chính phủ ban hành theo thẩm quyền phù hợp với tình hình phát triển và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã ký kết.
b) Tập trung thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, gắn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Năm 2020 đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ để định hướng, xây dựng chiến lược và hệ thống giải pháp phát triển khoa học và công nghệ cho giai đoạn tiếp theo.
c) Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, triển khai các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về hoạt động khoa học và công nghệ. Tăng tính tự chủ tài chính cho các tổ chức khoa học và công nghệ.
d) Rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tập trung các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia và phục vụ quốc phòng, an ninh. Tăng cường chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp; đẩy mạnh việc Nhà nước đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; chủ động mua lại kết quả nghiên cứu. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
đ) Rà soát, kiện toàn mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập; cân đối giữa các vùng, miền; hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đẩy nhanh việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
e) Đảm bảo cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đánh giá và định giá tài sản trí tuệ và góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ, khuyến khích khởi nghiệp. Tăng cường quản lý nhà nước, tập trung xây dựng và tổ chức triển khai chương trình, đề án trong hoạt động đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
g) Có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động; thúc đẩy năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp. Chú trọng sản xuất và ứng dụng công nghệ cao. Chuyển trọng tâm và chủ thể hoạt động khoa học và công nghệ sang khu vực doanh nghiệp. Xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ, dành kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nhập khẩu và làm chủ công nghệ cao, tiên tiến của thế giới. Huy động lao động có trình độ cao từ các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp. Xây dựng các chương trình xúc tiến chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ tiên tiến trên thế giới cho các doanh nghiệp trong nước.
h) Tăng nguồn lực đầu tư cho công tác thông tin để hoàn thiện và vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, chuyên gia khoa học và công nghệ, thông tin, thống kê trong khoa học và công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh truyền thông, thông tin về khoa học và công nghệ. Tăng cường kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ.