Loading


Nghị quyết 45/NQ-HĐND năm 2022 thực hiện nghị quyết về chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 45/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/12/2022
Ngày có hiệu lực 12/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Hoàng Thị Thúy Lan
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/NQ-HĐND

Vĩnh Phúc, ngày 12 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VỀ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện một số nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về các chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh;

Xét Báo cáo số 173/BC-ĐGS ngày 01 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện một số nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về các chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành nội dung Báo cáo số 173/BC-ĐGS ngày 01 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện một số nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về các chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 30 nghị quyết về an sinh xã hội, trong đó còn 15 nghị quyết đang triển khai (có danh mục kèm theo), thực hiện. Các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền và điều kiện thực tiễn của tỉnh, có tính đột phá riêng, đối tượng thụ hưởng ngày càng mở rộng, từ hỗ trợ trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, người lao động, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, phụ nữ, người già neo đơn, người cao tuổi đến các chính sách hỗ trợ hỏa táng…

Các nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành đã đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả tích cực, một số chỉ tiêu nhất là giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, ưu đãi người có công, y tế, bảo hiểm, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... đã đạt theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Kết quả triển khai nghị quyết đã giúp cho một bộ phận người dân có cuộc sống ổn định, đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Việc bố trí kinh phí thực hiện các nghị quyết đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, tổng nguồn kinh phí từ ngân sách để thực hiện các nghị quyết tính đến ngày 31/8/2022 là: 671.495 triệu đồng (Sáu trăm bảy mươi mốt tỷ, bốn trăm chín mươi lăm triệu đồng) chưa kể các nguồn huy động khác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các nghị quyết về chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Công tác hướng dẫn triển khai nghị quyết còn chậm, chưa thống nhất, cùng một nghị quyết nhưng có địa phương (Ủy ban nhân dân cấp huyện) không ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện; việc phối hợp trong triển khai thực hiện nghị quyết chưa thực sự chặt chẽ, kịp thời dẫn đến một số huyện thành phố còn bỏ sót nghị quyết, bỏ sót đối tượng; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, có chính sách chưa đến được đối tượng thụ hưởng; một số nghị quyết trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, có chỉ tiêu đạt thấp, hiệu quả chưa cao (nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND, nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND, nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND...); một số nghị quyết mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, hoặc gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức; tính chủ động của Ủy ban nhân dân một số huyện, thành phố trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết chưa cao...

Điều 2. Để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả thực hiện một số nghị quyết về chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh

a) Đối với việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách an sinh xã hội.

- Lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách an sinh xã hội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh như: Ban hành văn bản triển khai thực hiện, công tác phối hợp, công tác tuyên truyền ...

- Về một số chỉ tiêu, nghị quyết đạt thấp như: Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung chỉ đạt 17,8%; Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019, số người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở chỉ đạt 81 người; Nghị quyết 16/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển, số xã được hưởng chế độ từ Nghị quyết là 11/136 xã, phường, thị trấn; Nghị quyết 11/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ chi phí hỏa táng, tỉ lệ người dân lựa chọn hình thức hỏa táng ở một số huyện còn thấp, Tam Đảo là 31,44%, Sông Lô là 32,86%; Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 quy định chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 2,6% dân số...Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ kịp thời để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách.

- Đảm bảo kinh phí thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có giải pháp tăng cường huy động các nguồn xã hội hóa cho công tác an sinh xã hội.

- Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh; sớm phát hiện những vướng mắc, bất cập, có giải pháp tháo gỡ kịp thời trong quá trình thực hiện.

b) Đối với việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các nghị quyết về an sinh xã hội

- Đối với 15 nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách an sinh xã hội đang còn hiệu lực, đề nghị UBND tỉnh trước ngày 31 tháng 12 năm 2023 hoàn thành việc rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá, phân loại: Đối với các nghị quyết có hiệu quả để tiếp tục ban hành chính sách giai đoạn mới; các nghị quyết cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ chính sách không còn phù hợp.

- Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy, đặc biệt là Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để nghiên cứu, đề xuất những chính sách mới về an sinh xã hội. Trước mắt, xem xét, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất một số chính sách đặc thù như: Chính sách hỗ trợ con nông dân, công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp ở địa bàn không thuộc khu công nghiệp, đang sinh sống tại Vĩnh Phúc nhưng làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh; chính sách hỗ trợ cho đối tượng trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại bỏ đi lấy chồng hoặc lấy vợ nhưng không có chu cấp gì, không hoàn thành trách nhiệm đối với việc nuôi dưỡng, nhóm trẻ em này ở cùng với ông bà đã hết tuổi lao động... thực hiện đúng trình tự, yêu cầu của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

2. Đối với các sở, ngành.

- Rút kinh nghiệm trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nghị quyết; rà soát các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết đã ban hành, kịp thời điều chỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nội dung nghị quyết và tình hình thực tiễn.

- Nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách về an sinh xã hội, đặc biệt là những chính sách liên quan đến nhiều đối tượng, hạn chế thấp nhất việc chính sách mới ban hành phải sửa đổi bổ sung dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện, làm giảm ý nghĩa và hiệu quả của chính sách.

- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nghị quyết: Số 39/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 về mức đóng góp, hỗ trợ, chế độ miễn, giảm đối với người cai nghiện ma túy; mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; số 14/2021/NQ-HĐND ngày 12/11/2021 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em, giáo viên mầm non; phê duyệt kế hoạch, phương án hỗ trợ, phương án kiểm tra việc hỗ trợ và sử dụng kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc tỉnh; số 18/2021/NQ-HĐND quy định hỗ trợ cho các đối tượng người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

- Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; định kỳ hàng năm sơ kết việc thực hiện các nghị quyết nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc bất cập, có giải pháp thực hiện tốt hơn.

3. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ