Loading


Nghị quyết số 53/2007/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Bộ máy nhà nước do Chính phủ ban hành

Số hiệu 53/2007/NQ-CP
Ngày ban hành 07/11/2007
Ngày có hiệu lực 05/12/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 53/2007/NQ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01 tháng 08 năm 2007 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 5l/2007/NQ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09 năm 2007;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CCHC (6b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ X VỀ ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị quyết 53/2007/NQ-CP ngày 07/11/2007 của Chính phủ)

I. MỤC TIÊU

Xác định những nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được phân công, trong thời gian tới, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính

Các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy đảng cùng cấp để ban hành các nghị quyết, chỉ thị về các chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch cụ thể đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trước cấp uỷ đảng trong triển khai cải cách hành chính.

2. Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp

Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với Chính phủ.

3. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế

a) Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các thể chế về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về tổ chức bộ máy, công chức, công vụ, phân cấp, tài chính công.

b) Xây dựng chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và ngắn hạn. Xác định từ những văn bản luật cần thiết phải có để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; không nhất thiết mỗi lĩnh vực, mỗi ngành phải có một luật riêng.

c) Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xác định từ quan điểm chỉ đạo của từng văn bản pháp luật cần ban hành. Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đủ cụ thể, rõ ràng, kịp thời, đúng quy định.

d) Hoàn thiện cơ chế để nhân dân tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, nhất là các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật sẽ ban hành.

4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính - khâu đột phá của cải cách hành chính

a) Tập trung chỉ đạo rà soát và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm sau: thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư; đầu tư xây dựng công trình, dự án và nhà ở; quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản; xuất, nhập khẩu; nộp thuế; hộ tịch, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thị thực nhập cảnh; công chứng, chứng thực; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp...

[...]
2