Loading


Nghị quyết 93/NQ-CP năm 2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô do Chính phủ ban hành

Số hiệu 93/NQ-CP
Ngày ban hành 18/06/2024
Ngày có hiệu lực 18/06/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/NQ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐỂ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT VÀ ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 180/BC-NHNN ngày 06 tháng 6 năm 2024; Bộ trưởng Bộ Tài chính tại văn bản số 154/BC-BTC ngày 06 tháng 6 năm 2024; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 4369/BC-BKHĐT ngày 06 tháng 6 năm 2024;

Trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ.

QUYẾT NGHỊ:

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta từ đầu năm 2024 đến nay tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành là hết sức sát sao, quyết liệt, kịp thời, đúng và trúng các vấn đề của nền kinh tế để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, quyết liệt phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, được dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu... Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Áp lực lạm phát, tỷ giá có xu hướng tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; tiếp cận vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm; sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là các Bộ, cơ quan, địa phương) căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4 - 4,5%).

2. Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và các chính sách khác; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

3. Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội.

II. Phương châm

1. Phải bản lĩnh, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, lo sợ. Theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo tinh thần chủ động “tấn công, phòng ngự” từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát, từ cơ sở.

2. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, không điều hành giật cục; phối hợp đồng bộ các chính sách, phù hợp với tình hình thị trường.

3. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra theo tinh thần "không cầu toàn, không nóng vội", "tập trung, có trọng tâm, trọng điểm", "làm việc nào dứt điểm việc đấy", "không bàn lùi, chỉ bàn làm".

4. Tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho sản xuất kinh doanh; các cấp, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần quyết tâm cải cách, đổi mới, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để chủ động, tích cực tập trung tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại, không đùn đẩy, né tránh và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

III. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

1. Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

a) Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương:

- Trong tháng 6 năm 2024 hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Giá, Luật các tổ chức tín dụng...

- Rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các Luật thuế, Luật Dược ... và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật, gửi Bộ Tư pháp trong tháng 7 năm 2024 để tổng hợp.

- Xử lý theo thẩm quyền những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đối với luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch công tác của các bộ trong năm 2024 thì thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã được thông qua; đối với những văn bản chưa có trong chương trình, kế hoạch thì dùng Nghị quyết hoặc một văn bản sửa nhiều văn bản để xử lý ngay kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

b) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024 quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, một số Bộ trưởng, Trưởng ngành là thành viên để chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV, đồng thời tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh (nếu có); đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.

[...]
3