Loading


Nghị quyết về việc Đón tiếp khách nước ngoài và phương hướng công tác trong thời gian tới của Ban thường trực Quốc hội

Số hiệu Khôngsố
Ngày ban hành 24/09/1949
Ngày có hiệu lực 24/09/1949
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Thường trực Quốc hội
Người ký Phạm Tấn Trọng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN THƯỜNG VỤ THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
******

VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 1949 

 

BÁO CÁO VÀ NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP BAN THƯỜNG VỤ THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI MỞ RỘNG NGÀY 24-9-1949

A- THÀNH PHẦN HỘI NGHỊ:

1. Ban Thường vụ: có mặt:

Cụ Phạm Bá Trực, Phó trưởng ban

Cụ Tôn Đức Thắng,

Ông Dương Đức Hiếu, Thư ký

vắng mặt: Cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban

Ông Tôn Quang Phiệt, Phó trưởng ban

Ông Nguyễn Đình Thi, thư ký.

2. Uỷ viên được mời dự: có mặt:

ông Y Ngông Niếk Đam

Bà Lê Thị Xuyên.

vắng mặt: ông Trần Huy Liệu.

B- THỜI GIAN:

Ngày 24-9-1949, sáng từ 8 giờ 30 đến 12 giờ 15, chiều từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 45.

C- CHỦ TỊCH BUỔI HỌP:

Cụ Phạm Bá Trực,

Thư ký ghi chép: ông Đặng Thu, Thư ký Văn phòng Ban TTQH.

D- LÝ DO:

1. Việc chính là bàn về sự đón tiếp khách ngoại quốc nếu có.

2. Nhân tiện bàn qua về công việc Ban TTQH.

E- CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ:

1. Thủ tục.

2. Việc đón tiếp khách ngoại quốc.

3. Kiểm điểm và đặt chương trình làm việc của Ban TTQH.

4. Linh tinh.

5. Bế mạc.

I- THỦ TỤC:

- Tuyên bố

- Thông qua

- Bầu chủ toạ

- Chào cờ

II - VIỆC ĐÓN TIẾP KHÁCH NGOẠI QUỐC:

1. Trung Quốc chưa có Quốc hội và có Chính phủ. Việc đón tiếp theo đúng lễ nghi và trịnh trọng giữa Quốc hội hai nước theo như phép ngoại giao quốc tế chưa thành vấn đề. Vậy dịp này nếu có thì chỉ là nhân dân ngoại giao.

2. Vấn đề đặt ra là sẽ chỉ mời có khách của dân, của các đoàn thể. Quốc hội sẽ nên tham dự đón tiếp như thế nào ?

Nguyên tắc chung là sự đón tiếp giữa hai nhân dân thân thiện nên không theo lễ nghi long trọng gì, mà chỉ tỏ ra một sự xã giao, lịch sự.

Trong khi khách ngoại quốc đến thăm ta, có thể có hai trường hợp liên quan đến Quốc hội:

a. Các đoàn thể trong nước làm lễ nghi đón tiếp khách có mời Quốc hội tham dự.

b. Khách xin yết kiến Quốc hội.

Trong trường hợp a, người được mời đến dự thường là đại biểu Quốc hội ở địa phương đó, có thể là một Uỷ viên thường trực Quốc hội. Cả hai người có dự cũng chỉ nhân danh là một nhân sĩ Quốc hội thôi, không lấy tư cách là đại diện cho Ban Thường trực Quốc hội hay cả Quốc hội.

Uỷ viên Thường vụ Quốc hội hay đại biểu Quốc hội được mời sẽ tuỳ ý muốn đi dự hoặc không. Nhưng nếu Chính phủ vì lẽ riêng đón tiếp một phái đoàn nào, mà mời thì không nên không dự.

Sự gặp gỡ chỉ có tính cách xã giao, thân mật, không có diễn văn trình bày, tặng phẩm gì cả (song khi dự với Chính phủ có thể có diễn văn).

Trong trường hợp b, nếu quý khách xin yết kiến Chính phủ và Quốc hội thì không nên cùng với Chính phủ tiếp chung để khỏi chi phí nhiều hay cho tiện được.

Thường thường các phái đoàn sẽ có đưa hành trình của họ cho chính phủ, nếu họ có xin yết kiến Quốc hội, Chính phủ tất sẽ báo cho mình rõ, và cũng sẽ đề nghị nên tiếp hoặc không nên tiếp.

Mình sẽ tuỳ từng phái đoàn, nếu thấy họ có lợi cho mình thì sẽ tiếp. Một cá nhân hoặc một phóng viên báo chí xin gặp thì nhất định không tiếp.

Nếu mình bằng lòng tiếp một phái đoàn nào thì làm thiếp mời họ cho có lịch sự.

Đón tiếp ở một nhà riêng, nho nhỏ, sạch sẽ được trang hoàng trang nghiêm (Do công tác đội của Ban Thường vụ Quốc hội làm hoặc mướn nhà của dân chúng nếu nhà đó có đủ thuận tiện)

- Sự bố trí đón tiếp như thế nào, lúc đó Ban Thường trực sẽ họp bàn cho sát. Đại khái cũng không có lễ nghi long trọng, chỉ có nói chuyện thân mật, tiệc trà...

- Dù mình có mấy người tiếp nhưng cũng chỉ có một người đứng ra nhân danh Ban Thường trực Quốc hội mà tiếp chính thức thôi.

- Tặng phẩm to tát chưa thành vấn đề vì để dành riêng cho Quốc hội chính thức của họ. Chỉ có thể biếu Bản Hiến pháp.

Hiến pháp sẽ cho in thật đẹp, trên giấy thật tốt, giấy ta làm được mà tốt thì càng hay.

Sẽ in một phần trên bằng tiếng quốc ngữ, phần sau bằng tiếng Anh (bản dịch của Nha Thông tin đã dịch).

Trình bày dù thế nào cũng phải có in hình Quốc kỳ Việt nam, in mẫu hẳn hoi.

In 200 (hai trăm) cuốn.

Tiền sẽ lấy ở Bộ Tài chính.

Việc thuê in và trình bày sẽ do ông Nguyễn Đình Thi phụ trách.

- Có thể biếu khách tài liệu về Lịch sử Quốc hội Việt Nam. Nhưng tài liệu này còn phải thu thập lâu và còn làm thành bản thảo (phụ trách: Cụ Trúc và ông Hiền) để đưa nhiều người xét lại sửa chữa thêm bớt rồi mới đem in. Từ nay đến cuối năm, sẽ hợp thành tài liệu này.

III- KIỂM ĐIỂM VÀ ẤN ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH CÔNG VIỆC
CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

1. Kiểm điểm

- Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Ban Thường trực Quốc hội có một cuộc họp tại Hà Đông. Trong buổi họp đó, trước tình thế kháng chiến, có nhận định về đường lối, chủ trương kháng chiến và quyết định rằng:

- Cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban sẽ thay mặt Ban Thường trực Quốc hội luôn luôn đi với Chính phủ theo dõi chính sách của Chính phủ cho được sát, giúp đỡ Chính phủ trong sự thi hành nhiệm vụ và giải quyết những công việc lặt vặt thường của Ban Thường trực Quốc hội ở Văn phòng.

- Các vị Uỷ viên sẽ tản mạc đi các địa phương và tham dự các phái đoàn Chính phủ, động viên dân chúng tích cực kháng chiến trường kỳ, toàn dân và toàn diện. Sau khi các Uỷ viên đã làm xong công việc trên sẽ tuỳ theo khả năng, hoàn cảnh riêng mà tham gia trực tiếp vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, hoặc ở các Uỷ ban kháng chiến, hành chính, hoặc ở các các cơ quan chuyên môn hay các đoàn thể nhân dân.

Hoàn cảnh nước nhà từ hồi mới kháng chiến toàn quốc đến thu đông 1947 đã không cho phép Ban Thường trực Quốc hội hội họp được vì các Uỷ viên còn đương làm công tác động viên ở các địa phương và sự tấn công khắp nơi của giặc đã không cho có sự liên lạc chặt chẽ và hội họp.

Qua thu đông 1947, giặc đã suy yếu và giai đoạn thu hái của cuộc kháng chiến đã bắt đầu với Việt Bắc chiến thắng, nhưng ngay lúc bấy giờ địch còn tấn công ở một vài nơi trong nước, chưa dám cả quyết là ta đã ở giai đoạn cầm cự, cho đến khi chúng liên tiếp thất bại ở các cuộc tấn công đó, ta mới dám nhận rằng tình thế đã cho phép hội họp được rồi.

Vì giai đoạn kháng chiến đã rõ rệt, vì hoàn cảnh tương đối an toàn, vì lâu không họp, đầu năm 1949, Ban Thường trực Quốc hội đã dự định một năm họp hai lần và mọi việc để trù bị một phiên họp Thường vụ Quốc hội mở rộng đã được làm thì Sơn Tây bị chiếm đóng, đường lên Việt Bắc thành ra khó khăn, nguy hiểm ? Cụ Trưởng ban Bùi Bằng Đoàn nghỉ dưỡng bệnh, hai cụ Phó trưởng ban Phạm Bá Trực và Tôn Quang Phiệt và mấy vị Uỷ viên lại ở dưới liên khu 3 và 4 không lên được.

Với sự thắng lợi lớn của ta ở Đông Bắc, Tây Bắc và với cuộc tấn công Tuyên Quang của giặc tháng 5/1949 rồi chúng chiếm đóng Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên một hai tháng sau, hoàn cảnh lại không thuận tiện cho các cuộc hội nghị nữa.

Do là về hội họp, còn đối với Chính phủ, thì lúc nào cụ Bùi Bằng Đoàn cùng ở sát cho đến tháng 9/1948. Sau ngày đó, hai cụ Phạm Bá Trực và Tôn Đức Thắng thay thế, trong khi cụ Bùi Bằng Đoàn nghỉ dưỡng bệnh.

Công việc của người đại diện Ban Thường trực Quốc hội bên Chính phủ là tham dự các cuộc Hội đồng Chính phủ để hiểu biết tình hình trong, ngoài, tham gia, giúp đỡ ý kiến Chính phủ trong các công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Ngoài ra, gặp những ngày kỷ niệm của cả nước hay nhân một dịp gì đặc biệt vị đó gửi nhân dân những bản hiệu triệu có tính cách kêu gọi, khuyến khích, ngay với văn phòng, vị đó lại giải quyết những việc thường xuyên và ký các giấy tờ về tài chính.

Trong Ban Thường trực Quốc hội còn có Ban kiến tại để thu thập những tài liệu, ý kiến của dân chúng về quốc kế dân sinh, do ông Trần Huy Liệu phụ trách. Ông Trần Huy Liệu hứa cuộc họp này sẽ báo cáo nhưng vì mắc bận nên ông không đến dự được.

Những việc nhỏ Quốc hội can thiệp thì dân chúng gửi đến Ban Thường trực Quốc hội. Những việc này không nhiều lắm, trung bình mỗi tháng vài ba đơn. Ban Thường trực đã gửi đến Bộ Nội vụ giải quyết.

Về tài liệu thì biên bản kỳ Quốc dân đại hội lần thứ hai (11/1946) bị thất lạc. Danh sách các đại biểu Quốc hội cũng không đầy đủ, nhất là danh sách về Nam bộ.

Hội nghị quyết nghị sẽ cho hỏi các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Thi, Trần Huy Liệu về những nghị quyết trong kỳ đại hội thứ 2. Ông Dương Đức Hiền sẽ tra cứu trong báo Độc lập.

2- Chương trình công việc từ đây về sau của Ban Thường trực Quốc hội:

1. Bắt liên lạc với các uỷ viên Thường trực Quốc hội, hỏi công tác từ trước đến nay của mỗi vị.

2. Vị nào chức có công tác riêng thì trong tình thế này tạm thời để các vị tuỳ ý làm việc. Có việc gì Ban Thường trực Quốc hội cần nhớ đến sẽ giao và ban sẽ phụ cấp tiền nong, tổn phí cho đầy đủ.

3. Sự liên lạc giữa Ban Thường trực Quốc hội và các uỷ viên tuy không ấn định là phải có hàng tháng, nhưng khi có việc thì phải liên lạc.

4. Trừ những việc bí mật của nước (secrets d—Etat) còn việc gì mà Chính phủ hỏi ý kiến Thường trực Quốc hội, nếu đủ thì giờ, Ban Thường trực Quốc hội sẽ hỏi ý kiến các vị trong Ban.

5. Sự hội họp toàn Ban Thường trực Quốc hội sẽ chuẩn bị từ bây giờ, đến khi nào có hoàn cảnh thì cử Phó trưởng ban sẽ triệu tập Ban Thường trực vụ để sửa soạn cuộc họp.

6. Để ghi những công việc và hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội từ trước đến nay để phổ biến trong dân chúng, đề nghị quyết định thu thập các tài liệu đó và sẽ viết thành cuốn sách tạm lấy nhan đề là "Quốc hội với cuộc kháng chiến". Trong cuốn đó, nêu rõ công việc của Ban, của các uỷ viên trong Ban và các đại biểu của các địa phương trong thời kỳ kháng chiến.

Văn chương phải có lý luận vững chắc, đúng sự thực.

Ban Thường trực Quốc hội có nhờ Bộ Nội vụ sưu tầm tài liệu về hoạt động của các đại biểu Quốc hội nhưng đến nay chưa có kết quả, cần phải giục một lần nữa.

Những người phụ trách làm cuốn "Quốc hội với cuộc kháng chiến": các ông Hiền, Thi, Liệu.

Công việc nên làm xong sớm càng hay và cố gắng để đến cuộc họp Ban Thường trực Quốc hội mở rộng sau này duyệt lại rồi đem in và phổ biến.

7- Nhân viên văn phòng, chưa cần thêm (hiện có 1 thư ký).

IV- LINH TINH

1. Hỏi Uỷ ban kháng chiến hành chính Bắc Ninh về việc trao tặng thưởng của Ban Thường trực Quốc hội cho đội dân quân Hồng Hà (lễ nghi, kết quả và ảnh hưởng).

2. Việc giao tặng thưởng cho trung đoàn 17. Sẽ nhờ ông Nguyễn Sơn Hà ở Thái Nguyên đại diện cho Ban Thường trực Quốc hội đến giao. Cần phải cho lễ đó được trọng thể.

3. Ông Hiền đề nghị sửa lại dự án ngân sách 1950, thêm một khoản chi về ấn loát. Hội nghị không đồng ý và định rằng khi đến lúc cần sẽ tính sau.

4. Khi có việc gì của Ban Thường trực Quốc hội giao cho, các vị uỷ viên trong sự đi lại có phí tổn bao nhiêu thì sẽ làm một tờ kê gửi về Ban và Ban sẽ lấy ở Bộ Tài chính hoàn lại.

 

Phạm Tấn Trọng

(Đã ký)

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ