Loading


Nguyên tắc về điều tra và lưu trữ hiệu quả tư liệu về tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục, 2000

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 04/12/2000
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÁC NGUYÊN TẮC

VỀ ĐIỀU TRA VÀ LƯU TRỮ HIỆU QUẢ TƯ LIỆU VỀ TRA TẤN HOẶC ĐỐI XỬ, TRỪNG PHẠT TÀN ÁC, VÔ NHÂN ĐẠO HAY HẠ NHỤC, 2000

(Được thông qua theo Nghị quyết số 55/89 ngày 4/12/2000 của Đại Hội đồng).

1. Mục đích của việc điều tra và lưu trữ có hiệu quả tư liệu về tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt nhục hình, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (sau đây gọi là tra tấn hay đối xử hạ thấp khác) bao gồm:

a. Làm rõ về thực tế, thiết lập và thừa nhận trách nhiệm của cá nhân và Quốc gia đối với các nạn nhân và gia đình họ;

b. Xác định các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự tái diễn;

c. Tạo điều kiện cho việc truy tố và/hoặc nếu thích hợp, áp dụng biện pháp kỷ luật đối với những người được xác định qua điều tra là người có trách nhiệm và chứng minh nhu cầu khôi phục, đền bù đầy đủ từ Quốc gia, bao gồm bồi thường tài chính đầy đủ và công bằng và cung cấp các phương tiện cho chăm sóc y tế và tái hòa nhập xã hội.

2. Nhà nước bảo đảm rằng các khiếu nại và các báo cáo về tra tấn hay đối xử hạ thấp phải được điều tra nhanh chóng và hiệu quả. Thậm chí, ngay cả khi không có khiếu nại rõ ràng, thì cuộc điều tra vẫn phải được tiến hành, nếu có những dấu hiệu khác cho thấy rằng việc tra tấn hay đối xử hạ thấp có thể đã xảy ra. Cán bộ điều tra, độc lập với người bị tình nghi là thủ phạm và cơ quan cán bộ đó công tác phải có năng lực và độc lập. Họ phải được tiếp cận hoặc được trao quyền giao nhiệm vụ điều tra cho các chuyên gia y tế hay các chuyên gia khách quan khác. Phương pháp được sử dụng để tiến hành với các cuộc điều tra như vậy sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp cao nhất và các phát hiện sẽ phải được công bố công khai.

3. a. Cơ quan điều tra sẽ có quyền và nghĩa vụ đạt được những thông tin cần thiết để phỏng vấn. Những người tiến hành điều tra phải có sẵn nguồn lực tài chính và kỹ thuật cần thiết để điều tra có hiệu quả. Họ cũng phải có thẩm quyền để buộc những người thi hành công vụ bị nghi vấn liên quan đến tra tấn hay đối xử hạ thấp phải xuất hiện và làm chứng. Điều này cũng áp dụng tương tự đối với các nhân chứng. Để đạt được mục đích này, cơ quan điều tra có thẩm quyền ban hành lệnh triệu tập đối với các nhân chứng, bao gồm bất kỳ cán bộ nào bị nghi vấn có liên quan và có thẩm quyền yêu cầu cung cấp bằng chứng.

b. Các nạn nhân bị nghi ngờ là bị tra tấn hay đối xử hạ thấp, nhân chứng và những người tiến hành điều tra và gia đình của họ sẽ được bảo vệ khỏi bất cứ hành vi bạo lực nào, đe dọa bạo lực hay bất cứ hình thức đe dọa nào mà có thể xảy ra do quá trình điều tra. Những người có dấu hiệu tiềm tàng liên quan đến tra tấn hay đối xử hạ thấp sẽ bị thuyên chuyển khỏi bất kỳ vị trí có quyền hoặc kiểm soát dù là trực tiếp hay gián tiếp đối với người khiếu nại, nhân chứng và gia đình của họ cũng như những người tiến hành điều tra.

4. Những nạn nhân của tra tấn hay đối xử hạ thấp và đại diện pháp lý của họ phải được biết về và được tiếp cận bất cứ phiên xét xử cũng như thông tin thích hợp liên quan đến điều tra và sẽ phải được trình bày bằng chứng khác.

5 . a. Trong trường hợp các thủ tục điều tra sẵn có không đầy đủ do (cán bộ điều tra) thiếu chuyên môn hoặc do nghi ngờ có sự thiên vị hay do sự tồn tại rõ ràng của một dạng lạm dụng hay vì những lý do quan trọng khác, thì Quốc gia phải bảo đảm rằng các cuộc điều tra phải được tiến hành thông qua một ủy ban thẩm vấn độc lập hoặc qua các thủ tục tương tự. Thành viên của ủy ban này sẽ được chọn căn cứ vào sự khách quan, năng lực và sự độc lập cá nhân của họ. Đặc biệt, họ phải độc lập với người bị nghi ngờ phạm tội và độc lập với các tổ chức, cơ quan mà họ phục vụ. Ủy ban sẽ có thẩm quyền đạt được những thông tin cần thiết để phỏng vấn và sẽ tiến hành phỏng vấn như được quy định trong nguyên tắc này.

b. Một bản báo cáo bằng văn bản, được thực hiện trong thời gian hợp lý, mô tả phạm vi phỏng vấn, các thủ tục và phương pháp được sử dụng để đánh giá bằng chứng cũng như các kết luận và khuyến nghị dựa trên các phát hiện thực tế và luật áp dụng. Sau khi hoàn thành, báo cáo phải được công bố công khai. Báo cáo cũng mô tả chi tiết những sự kiện cụ thể đã xảy ra và bằng chứng cho những phát hiện này và liệt kê tên những nhân chứng đã làm chứng, với ngoại lệ là những người được giấu tên nhằm bảo vệ bản thân họ. Trong khoản thời gian hợp lý, Quốc gia phải phúc đáp báo cáo điều tra và nếu thích hợp xác định các bước cần tiến hành tiếp theo.

6. a. Các chuyên gia y tế tham gia điều tra về tra tấn hay đối xử hạ thấp trong mọi trường hợp phải hành động phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, và đặc biệt, phải được sự đồng thuận có hiểu biết trước khi tiến hành bất cứ sự khám bệnh nào. Việc khám bệnh phải tuân thủ các chuẩn mực về thực tiễn ngành y. Đặc biệt, phải tiến hành khám bệnh kín đáo dưới sự điều hành của chuyên gia y tế và không có sự hiện diện của nhân viên an ninh và cán bộ nhà nước.

b. Chuyên gia y tế phải nhanh chóng chuẩn bị báo cáo chính xác bằng văn bản, bao gồm ít nhất những thông tin sau:

i. Tình huống phỏng vấn: tên của đối tượng phỏng vấn, tên và quan hệ của những người có mặt tại cuộc khám bệnh; thời gian và ngày, tháng chính xác; địa điểm, tính chất và địa chỉ tổ chức (bao gồm, nếu thích hợp, thông tin về phòng tiến hành khám bệnh), nơi cuộc khám bệnh được tiến hành (ví dụ tại trại tạm giam, bệnh viện hay nhà ở); hoàn cảnh của đối tượng tại thời điểm khám (ví dụ, sự có mặt của các lực lượng an ninh trong lúc khám, hành vi của những người dẫn giải phạm nhân, hoặc những lời lẽ đe dọa người khám); và những yếu tố liên quan khác;

ii. Lịch sử: hồ sơ chi tiết câu chuyện được đối tượng đưa ra trong cuộc phỏng vấn, bao gồm những phương pháp được cho là tra tấn hoặc đối xử hạ thấp, các thời điểm được cho là xảy ra tra tấn hoặc đối xử hạ thấp và tất cả những khiếu nại triệu chứng về thể chất và tâm lý;

iii. Khám về thể chất và tâm lý: báo cáo phải ghi chép các phát hiện về thể chất và tâm lý thông qua khám y khoa, bao gồm các kiểm tra chuẩn đoán phù hợp và, nếu có thể, chụp ảnh màu về những vết bị thương;

iv. Ý kiến: Giải thích về mối quan hệ có thể có giữa những phát hiện về thể chất và tâm lý và khả năng tra tấn hay đối xử hạ thấp. Báo cáo phải đưa ra khuyến nghị về sự cần thiết điều trị y tế và tâm lý và / hoặc cần khám thêm;

v. Người thực hiện: Báo cáo phải xác định rõ người thực hiện khám và phải được ký tên.

c. Báo cáo phải trung thực và được thông báo cho chủ thể hay đại diện của họ. Quan điểm của chủ thể và đại diện của họ về quá trình khám bệnh phải tôn trọng và ghi nhận trong báo cáo. Nếu thích hợp, báo cáo cũng phải được cung cấp bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về điều tra nghi vấn về tra tấn hoặc đối xử hạ thấp. Quốc gia có trách nhiệm bảo đảm rằng báo cáo được chuyển giao an toàn đến những người này. Không được cung cấp báo cáo cho người nào khác, ngoại trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể hay được sự cho phép của một tòa án có thẩm quyền thực thi việc chuyển giao này.

 

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ