Loading


Quyết định 121/2002/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực Tây sân bay Gia Lâm, tỷ lệ 1/2000 (phần đất do Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam quản lý) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 121/2002/QĐ-UB
Ngày ban hành 05/09/2002
Ngày có hiệu lực 20/09/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Hoàng Văn Nghiên
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 121/2002/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU VỰC TÂY SÂN BAY GIA LÂM, TỶ LỆ 1/2000 (PHẦN ĐẤT DO CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM QUẢN LÝ)

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ- TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị;
Căn cứ Quyết định số 74/1999/QĐ-UB ngày 1/9/1999 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết huyện Gia Lâm, Hà nội, tỷ lệ 1/5000 (khu vực đô thị hóa - Phần quy hoạch sử dụng đất và giao thông);
Xét đề nghị của Kiến trúc sư trưởng Thành phố (nay là Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc) tại văn bản số 302/KTST-DA ngày 28 tháng 6 năm 2002,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu vực Tây sân bay Gia Lâm, tỷ lệ 1/2000 (phần đất do Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam quản lý) do Trung tâm Phát triển vùng SENA lập với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Vị trí, ranh giới và quy mô:

1.1. Vị trí, ranh giới:

Khu vực Tây Sân bay Gia Lâm hiện do Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam quản lý nằm ở Tả ngạn Sông Hồng, phía Đông Bắc Thành phố Hà Nội, thuộc địa bàn huyện Gia Lâm.

- Phía Bắc giáp đường Nguyễn Văn Cừ và khu dân cư xã Gia Thụy.

- Phía Nam giáp hồ Lâm Du.

- Phía Đông giáp sân bay Gia Lâm.

- Phía Tây một phần tiếp giáp với đất ruộng thuộc xã Bồ Đề và một phần tiếp giáp đường Nguyễn Văn Cừ.

2.2. Quy mô:

Khu vực Tây sân bay Gia Lâm có diện tích khoảng 91,77ha.

2. Nội dung quy hoạch chi tiết

2.1. Mục tiêu của đồ án

- Cụ thể hoá định hướng phát triển không gian đã xác định trong đồ án quy hoạch chi tiết huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/5000; gắn quy hoạch khu vực Tây sân bay Gia Lâm với quy hoạch chi tiết huyện Gia Lâm nói trên.

- Làm cơ sở để hoàn chỉnh các thủ tục quản lý, sử dụng đất, tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

- Xây dựng một khu đô thị mới, hiện đại và phát triển bền vững, cải tạo môi trường, cảnh quan kiến trúc đô thị tại khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc Thủ đô.

2.2. Quy mô dân số:

- Dân số hiện trạng theo điều tra sơ bộ hiện có khoảng 5.400 người

- Dân số dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 6.300 người.

2.3. Định hướng phát triển không gian

- Khu vực Tây sân bay Gia Lâm có 2 trục không gian chính:

+ Trục đường Nguyễn Sơn nối khu vực quy hoạch và nhà ga hàng không với tuyến đường Nguyễn Văn Cừ ở phía Tây;

+ Trục đường theo hướng Bắc Nam nối khu vực quy hoạch với khu dân cư tại phía Nam và phía Bắc.

Các công trình trụ sở, nhà làm việc cao tầng của các cơ quan được bố trí dọc theo 2 trục không gian này.

- Các hồ nước và đất xung quanh hồ được sử dụng để phát triển công viên.

- Đất cách ly với sân bay được trồng cây xanh.

Các khu đất xây dựng công trình cùng với các khu công viên, khu trồng cây xanh và hồ nước tạo thành một hệ thống không gian thống nhất có điều kiện môi trường cảnh quan chất lượng cao.

Cải tạo các khu nhà ở hiện có kết hợp với xây dựng mới, tăng cường diện tích cây xanh, vườn hoa nhằm giảm mật độ xây dựng hiện đang quá cao ở khu vực này.

- Chiều cao của các công trình được nghiên cứu phù hợp với cao độ khống chế của các phễu bay.

- Giao thông trong khu vực được phát triển đồng bộ với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.

- Thực hiện phương thức di dân tại chỗ; hạn chế đến mức thấp nhất việc di dân, khai thác tối đa điều kiện cảnh quan tự nhiên của khu vực.

2.4. Phân khu chức năng và cơ cấu sử dụng đất

Khu vực quy hoạch được phân thành các khu chức năng sau:

- Khu vực nhà ga hàng không của cảng Hàng không Gia Lâm

- Khu làm việc của các cơ quan thuộc Cục hàng không dân dụng VN.

- Khu vực nhà ở hiện có và xây dựng mới.

- Khu vực công trình công cộng

- Khu vực công viên, vườn dạo, cây xanh cách ly.

- Khu dự trữ phát triển.

- Đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật.

- Khu vực phát triển theo dự án riêng (Bãi ăngten).

Cơ cấu sử dụng đất của các khu vực chức năng trong khu vực quy hoạch theo bảng sau:

BẢNG CƠ CẤU SỬ DỤNG ĐẤT

 

TT

Loại đất

 

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

Ghi chú

1

Đất công trình công cộng

2,21

2,41

 

1.1

Đất trường học

0,76

0,83

 

1.2

Đất nhà trẻ

0,73

0,80

 

1.3

Đất TDTT

0,72

0,78

 

2

Đất cơ quan

21,11

23,00

 

3

Đất ở

17,69

19,28

 

3.1

Đất ở hiện có

13,7

14,93

 

3.2

Đất ở dự kiến

3,99

4,35

 

4

Đất công viên, cây xanh

25,07

27,32

 

4.1

Đất công viên đô thị

10,51

11,45

 

4.2

Đất vườn dạo

7,76

8,46

 

4.3

Đất cây xanh cách ly

6,80

7,41

Khu vực tĩnh không

5

Ga hàng không

6,98

7,61

 

6

Đất giao thông

14,55

15,85

 

7

Trạm cấp nước

0,54

0,59

 

8

Đất dự án riêng

1,99

2,17

Khu bãi Ăng ten

9

Đất dự trữ

1,63

1,78

Xây dựng cơ quan hoặc cây xanh

 

Tổng

91,77

100,00

 

2.5 Quy hoạch sử dụng đất

Toàn bộ khu vực quy hoạch được chia thành 22 ô đất.

Việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, kiến trúc cảnh quan và môi trường được căn cứ vào các chỉ tiêu quy định trong từng ô đất, bao gồm: Chức năng sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao trung bình, hệ số sử dụng đất (xem bản vẽ Quy hoạch sử dụng đất).

Ngoài ra:

- Đối với các ô đất nằm cạnh trục đường Nguyễn Văn Cừ các quy định quản lý quy hoạch được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch chi tiết của trục đường,

- Đối với ô đất dự trữ phát triển, giai đoạn đầu được sử dụng để trồng cây xanh.

- Dành một phần quỹ đất cho việc di dân mở rộng đường Nguyễn Sơn tại khu vực nhà ở xây dựng mới thuộc ô đất số 6 và số 16.

- Ô đất số 17 là quỹ đất dự trữ để bố trí trường học (trong trường hợp các trường ngoài ranh giới khu vực quy hoạch không đủ để đáp ứng nhu cầu dạy và học). Nếu không dùng để xây dựng trường học thì sẽ sử dụng cho các mục đích công cộng khác như trồng cây xanh hoặc thương mại dịch vụ.

- Các công trình xây dựng gần khu vực nhà kho, xưởng sản xuất phải đảm bảo khoảng cách cách ly tối thiểu là 50m.

- Không xây dựng công trình trong phạm vi hành lang cây xanh cách ly.

2.6. Quy hoạch hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật

Hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật được thiết kế và xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hiện tại, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài.

Hệ thống giao thông

Thiết kế mạng lưới giao thông phù hợp với thực tế, đảm bảo sử dụng lâu dài và khớp nối được với hệ thống đường giao thông đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quy hoạch chi tiết huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/5000.

Diện tích chiếm đất của các tuyến đường khu vực, phân khu vực và đường nhánh là 14,55 ha (không kể diện tích các bãi đỗ xe).

Hệ thống đường trong khu vực quy hoạch có các loại mặt cắt sau: 30m, 25m, 22m, 17,5m và 13,5m. Vỉa hè có chiều rộng đảm bảo đủ để bố trí hệ thống các công trình ngầm và trồng cây xanh. Hệ số mật độ đường từ cấp đường 13,5m trở lên 7,74km/km2.

Các ngõ trong các khu nhà ở cũ được cải tạo thành các tuyến đường với mặt cắt tối thiểu 5,5m.

Hệ thống cấp nước

- Nhu cầu cấp nước - Qmax: 4.703m3/ngày đêm; Qtb: 3.527m3/ngày đêm.

- Nguồn cấp nước: Nhà máy nước Gia Lâm; nước cấp cho khu vực quy hoạch được lấy từ 1 trong 2 đường ống truyền dẫn D300 hiện có trên đường Nguyễn Văn Cừ.

- Hệ thống cấp nước được bố trí thành hệ thống mạng mạch vòng với các tuyến ống D100 đến D200 cấp nước cho các ô đất. Đối với các công trình có chiều cao hơn 5 tầng cần có trạm bơm và bể chứa riêng.

Thoát nước mưa và san nền

- Khu vực Tây sân bay Gia Lâm được chia thành hai lưu vực thoát nước;

+ Lưu vực phía Bắc: Nước mưa được thoát vào tuyến mương ở phía Bắc, sau đó đổ ra sông Cầu Bây hoặc được dẫn đến trạm bơm Nghè Ngô.

+ Lưu vực Phía Nam: Nước mưa được thoát qua tuyến mương phía Nam sân bay Gia Lâm đến trạm bơm Nghè Ngô.

- Các tuyến mương; cống với tiết diện D800 - D2250 và hệ thống rãnh hở đủ đảm bảo cho việc tiêu, thoát nước cho khu vực. Hồ Sen hiện nay là hồ cảnh quan đồng thời đóng vai trò là hồ điều hoà sẽ được mở rộng, kè và xây dựng hệ thống đường dạo tạo thành khu công viên, nghỉ ngơi, giải trí cho nhân dân trong khu vực.

- Cao độ san nền trung bình trong khu vực quy hoạch: 6,5m.

Thoát nước thải và vệ sinh môi trường

- Nhu cầu thoát nước thải trong khu vực là 3.019m3/ngày đêm.

- Hệ thống nước thải được thiết kế tách riêng.

Khi hệ thống thoát nước thải riêng chưa được xây dựng thì nước thải sẽ được thoát chung với hệ thống thoát nước mưa. Nước thải được xử lý sơ bộ qua các bể bán tự hoại trước khi xả vào hệ thống thoát nước mưa.

- Xây dựng một trạm bơm chuyển bậc, công suất 4.300m3/ngày đêm. Khoảng cách ly từ trạm bơm tới các công trình dân dụng là 25m.

- Rác thải trong khu vực quy hoạch được thu gom và vận chuyển đến nơi quy định thông qua hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị.

- Nước thải và rác thải của Trung tâm y tế hàng không được xử lý đặc biệt theo yêu cầu đối với nước thải và rác thải bệnh viện.

Hệ thống cấp điện

- Tổng nhu cầu dùng điện trong khu vực quy hoạch: 12.248KVA.

- Nguồn điện cấp cho khu vực quy hoạch được lấy từ trạm biến thế 110/35 KV (1x25MVA), 110/22KV (1x16MVA) Thanh Am.

- Cấp điện áp trong khu vực sẽ tuân theo cấp điện áp chuẩn và 22KV. Các trạm hạ áp 22/0,4KV của khu vực sẽ được cấp điện từ các tuyến 22KV (được nâng cấp từ tuyến 10KV hiện có) đi dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Cừ. Từ tuyến cáp trục xuất ra các lộ cáp 22KV 2XLPE x 70mm2 để cấp điện cho các trạm hạ thế 22/0,4KV của khu vực.

- Trong khu vực quy hoạch bố trí 19 trạm hạ thế 22/0,4KV với tổng công suất 14.440 KVA.

Hệ thống thông tin bưu điện

- Tổng nhu cầu điện thoại thuê bao cố định: 3.000 số.

- Nhu cầu về điện thoại cố định trong khu vực sẽ được đáp ứng thông qua việc xây dựng tổng đài vệ tinh tại khu vực nhà ga hàng không với dung lượng 5.000 số, đấu nối với tổng đài điều khiển Đức Giang. Từ tổng đài vệ tinh sẽ có các tuyến cáp bể nối đến 22 tủ cáp.

Điều 2: Giao Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc kiểm tra, xác nhận hồ sơ, bản vẽ kèm theo Quyết định phê duyệt này; Hướng dẫn Cục hàng không dân dụng tổ chức nghiên cứu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) đối với đồ án quy hoạch này theo quy định của pháp luật, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt; phối hợp với Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm và Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết này để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, quản lý, giám sát, xây dựng theo quy hoạch và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông công chính, Tài chính vật giá, Khoa học công nghệ và Môi trường, Địa chính nhà đất, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ