Loading


Quyết định 108/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 do Thủ tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 108/1998/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/06/1998
Ngày có hiệu lực 05/07/1998
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Công văn số 01/UBTP-BXD ngày 06 tháng 01 năm 1998,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

Xác định vị trí, vai trò đặc biệt của Thủ đô trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam, phù hợp với phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kết hợp tốt giữa xây dựng, phát triển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải tạo với xây dựng mới, nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố vừa dân tộc, vừa hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống ngàn năm văn hiến; là trung tâm đầu não về chính trị, đồng thời là trung tâm lớn về văn hoá, khoa học kỹ thuật, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; tương xứng với Thủ đô của một nước có quy mô dân số một trăm triệu dân, có vị trí xứng đáng trong khu vực Đông Nam á và thế giới.

2. Phạm vi lập Quy hoạch và định hướng phát triển không gian:

Cơ cấu quy hoạch không gian bao gồm thành phố Hà Nội Trung tâm và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hưng Yên với bán kính ảnh hưởng từ 30 đến 50 km.

Hướng phát triển lâu dài của thành phố Hà Nội chủ yếu về phía Tây, hình thành chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hoà Lạc - Sơn Tây (tỉnh Hà Tây); phía Bắc là cụm đô thị Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) - Xuân Hoà - Đại Lải - Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và các đô thị khác nhằm khai thác lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông và cơ sở hạ tầng. Trước mắt, hướng mở rộng thành phố Hà Nội Trung tâm về phía Tây Bắc, Tây Nam và phía Bắc; trong đó, ưu tiên cho đầu tư phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng. Tại đây, hình thành một Hà Nội mới, gồm các khu vực Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng - Yên Viên và tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển tại khu vực Nam Thăng Long.

3. Quy mô dân số:

Đến năm 2020, dân số đô thị Thủ đô Hà Nội và các đô thị xung quanh trong phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung khoảng 4,5 đến 5 triệu người, trong đó quy mô dân số nội thành của Thành phố Hà Nội Trung tâm là 2,5 triệu người với quy mô dân số các đô thị xung quanh khoảng 2 đến 2,5 triệu người.

4. Quy hoạch sử dụng đất đai và kiến trúc cảnh quan đô thị:

a. Về chỉ tiêu sử dụng đất:

Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị bình quân là 100 m2/người, trong đó phải bảo đảm chỉ tiêu đất giao thông là 25 m2/người, chỉ tiêu đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao là 18 m2/người và chỉ tiêu đất xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng là 5 m2/người.

b. Về phân khu chức năng:

- Các khu dân cư bao gồm khu hạn chế phát triển, giới hạn từ vành đai 2 (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân) trở vào trung tâm, về lâu dài khống chế quy mô dân số khoảng 0,8 triệu người; các khu phát triển chủ yếu nằm ven đô ngoài vành đai 2, có quy mô dân số ở phía Nam sông Hồng khoảng 0,7 triệu người và ở phía Bắc sông Hồng khoảng 1 triệu người.

- Các khu công nghiệp hiện có được cải tạo, sắp xếp lại phù hợp với quy hoạch xây dựng thành phố; đồng thời phát triển các khu công nghiệp mới như Sóc Sơn, Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Sài Đồng A và B, Đông Anh; cải tạo, mở rộng các khu công nghiệp Cầu Diễn, Cầu Bươu, Pháp Vân, Đức Giang. Ngoài ra, trong các khu dân cư có thể bố trí xen kẽ các xí nghiệp nhỏ, sạch, kỹ thuật cao.

Diện tích đất dành để xây dựng các khu công nghiệp khoảng 3.000 ha.

- Hệ thống các trung tâm công cộng, bao gồm trung tâm thành phố hiện có như trung tâm hành chính - chính trị Quốc gia Ba Đình, trung tâm hành chính - chính trị của thành phố tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và các trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ, văn hoá mới ở Tây Hồ Tây, Nam Thăng Long (Xuân La, Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô), Phương Trạch (Nam Vân Trì), Gia Lâm và trung tâm dịch vụ văn hoá - thể dục thể thao Cổ Loa.

Hỗ trợ cho các trung tâm thành phố nêu trên là hệ thống các trung tâm quận và trung tâm khu vực gắn với các đơn vị ở hoặc khu ở.

- Các trung tâm chuyên ngành gồm:

+ Các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp được bố trí tại trung tâm hành chính thành phố, quận, phường. Trụ sở của các công ty, các tổ chức và các cơ quan đại diện nước ngoài được bố trí trên các trục phố chính;

+ Các trường đào tạo tập trung ở các khu vực lớn như đường Giải Phóng, đường Nguyễn Trãi, đường 32, Trâu Quỳ, Mễ Trì và một số nơi khác;

+ Các viện nghiên cứu khoa học tập trung chủ yếu ở các quận nội thành cũ và khu vực Nghĩa Đô, bao gồm các cơ quan, viện nghiên cứu khoa học hiện có và các cơ sở dịch vụ được chỉnh trang, phát triển thành khu đô thị khoa học;

+ Các trung tâm y tế gồm các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa được bố trí tại các khu vực Bạch Mai, Trần Khánh Dư, Tràng Thi, Quán Sứ, Xuân La - Nhật Tân, Vân Trì và một số nơi khác.

Riêng các bệnh viện chuyên khoa đặc biệt sẽ được xây dựng tại các khu vực Gia Lâm, Sóc Sơn và một số vị trí thích hợp;

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ