Loading


Quyết định 1212/QĐ-BTP năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Bộ Tư pháp

Số hiệu 1212/QĐ-BTP
Ngày ban hành 30/05/2018
Ngày có hiệu lực 30/05/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1212/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG BỘ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chức năng

1. Văn phòng Bộ (sau đây gọi là Văn phòng) là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý các hoạt động của Bộ, ngành; xây dựng, tổng hợp, đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch công tác; thực hiện các nhiệm vụ về truyền thông đối với hoạt động của Bộ, ngành và quản lý báo chí, xuất bản; tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; công tác hành chính, văn thư, lưu trữ; quản lý cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài sản, kinh phí hoạt động, bảo đảm phương tiện, điều kiện làm việc phục vụ chung cho hoạt động của Bộ và công tác quản trị nội bộ theo quy định của pháp luật.

2. Văn phòng có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Văn phòng có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Xây dựng, trình Bộ trưởng quyết định chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Bộ, ngành; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn của Bộ, ngành Tư pháp; xây dựng, trình Bộ trưởng chương trình, kế hoạch công tác dài hạn và hàng năm của Văn phòng.

2. Xây dựng, trình Bộ trưởng quyết định chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thuộc phạn vi quản lý của Văn phòng Bộ và văn bản khác khi được Lãnh đạo Bộ giao.

3. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các đề án, dự thảo văn bản trong các lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng; tham gia thẩm định, góp ý các dự thảo văn bản, đề án do Bộ trưởng giao.

4. Tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, văn bản, đề án thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng.

5. Tổng hợp, đôn đốc và theo dõi tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, ngành:

a) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác và việc xây dựng văn bản, đề án của Bộ, ngành; tổng hợp kết quả và kiến nghị các giải pháp bảo đảm thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, ngành; hướng dẫn các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tư pháp hàng năm;

b) Tổng hợp kiến nghị, vướng mắc, trình Bộ trưởng quyết định việc điều chỉnh, thay đổi chương trình, kế hoạch công tác của Bộ;

c) Tổ chức thực hiện công tác báo cáo, sơ kết, tổng kết định kỳ và đột xuất về việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành theo quy định của pháp luật và của Bộ;

d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng nội dung thông tin, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về tình hình công tác tư pháp địa phương.

6. Về giúp Bộ trưởng, các Thứ trưởng điều hành và quản lý các hoạt động của Bộ:

a) Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu trình Bộ trưởng, các Thứ trưởng (sau đây gọi là Lãnh đạo Bộ); kiểm tra và tham gia ý kiến về hồ sơ, tài liệu đó trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết;

b) Thẩm tra và đề xuất ý kiến về nội dung, chương trình của các đơn vị thuộc Bộ trình Lãnh đạo Bộ tại các phiên họp giao ban Lãnh đạo Bộ;

c) Thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; theo dõi, điều phối lịch làm việc của Lãnh đạo Bộ;

d) Làm đầu mối tiếp nhận thông tin, duy trì quan hệ giữa Bộ với các cơ quan cấp trên, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác;

đ) Tổ chức các cuộc họp, làm việc của Lãnh đạo Bộ với các đơn vị; chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu và lãnh đạo Bộ đi công tác hoặc tham dự các hội nghị, hội thảo;

e) Chủ trì hoặc phối hợp tham mưu giải quyết hoặc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, cử tri, người dân và doanh nghiệp;

[...]
5