Loading


Quyết định 1648/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1648/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/12/2023
Ngày có hiệu lực 20/12/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1648/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH HÒA BÌNH THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 5063/BC-HĐTĐ ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh về Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tại Tờ trình số 187/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 8236/BKHĐT-QLQH ngày 04 tháng 10 năm 2023 về việc tổng hợp ý kiến rà soát hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung như sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hòa Bình quy mô 459.029 ha, với 10 đơn vị hành chính, gồm thành phố Hòa Bình và 09 huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy.

Ranh giới tọa độ địa lý từ 104°48' đến 105°40' kinh độ Đông và từ 20°19' đến 21°08' vĩ độ Bắc; phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, phía Tây giáp tỉnh Sơn La và Thanh Hóa.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN, CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hệ thống quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.

b) Phát triển bao trùm, hài hòa; kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời là cửa ngõ kết nối Hà Nội với tiểu vùng Tây Bắc; tập trung vào bốn trụ cột bao gồm: (i) Công nghiệp chế biến, chế tạo, (ii) Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, (iii) Du lịch, và (iv) Nhà ở vệ tinh gắn với giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

c) Phát triển các ngành dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của tỉnh. Chủ động nắm bắt, tận dụng hiệu quả các thành tựu, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, cải cách hành chính, chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; chú trọng đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao.

d) Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, có tiềm năng, lợi thế về kết cấu hạ tầng để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững; đồng thời quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực.

đ) Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật số, hạ tầng năng lượng, đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng nông nghiệp - nông thôn. Ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với hình thành, phát triển các khu vực động lực, hành lang kinh tế quan trọng của tỉnh.

e) Chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực hiện phân vùng phát triển hợp lý giữa các ngành; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng, tài nguyên nước và các tài nguyên khoáng sản khác.

g) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; chủ động mở rộng các quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

[...]
5