Loading


Quyết định 1662/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1662/QĐ-TTg
Ngày ban hành 04/10/2021
Ngày có hiệu lực 04/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1662/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG VÙNG VEN BIỂN NHẰM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 16 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long;

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây viết tắt là Đề án), với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của rừng vùng ven biển trong phòng, chống sa mạc hóa, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

b) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của giai đoạn 2015 - 2020; phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy hoạch liên quan, đảm bảo hiệu quả bền vững, hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và chống sa mạc hóa.

c) Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, khuyến khích huy động vốn đầu tư từ các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế, các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

d) Nhà nước có cơ chế, chính sách để thu hút các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư, hưởng lợi từ bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển; phát huy tính chủ động của các địa phương trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.

2. Mục tiêu

Quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Bảo vệ rừng

Quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển.

2. Khôi phục và phát triển rừng

a) Trồng rừng mới: 20.000 ha, gồm:

- Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn): 9.800 ha;

- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát): 10.200 ha.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng mới 11.000 ha.

[...]
3