Loading


Quyết định 1690/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1690/QĐ-TTg
Ngày ban hành 16/09/2010
Ngày có hiệu lực 16/09/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1690/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỦY SẢN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thủy sản năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 với các nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở phát huy lợi thế của một ngành sản xuất – khai thác tài nguyên tái tạo, lợi thế của nghề cá nhiệt đới, chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại, tạo sự phát triển đồng bộ, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển.

2. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá, gắn với việc tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản ở tất cả các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, cơ khí hậu cần dịch vụ và chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ, nhằm nâng cao hiệu quả tối ưu cho sản phẩm thủy sản Việt Nam. Hình thành các trung tâm nghề cá lớn ở Vịnh Bắc bộ, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ gắn với các ngư trường trọng điểm.

3. Nâng cao mức sống, điều kiện sống của cộng đồng ngư dân và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nghề cá vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển thủy sản. Xác định nông, ngư dân và doanh nghiệp là chủ thể chính của sản xuất thủy sản, đồng thời tạo sự gắn kết lợi ích giữa nông dân, ngư dân và doanh nghiệp là khâu đột phá trong quá trình đổi mới ngành thủy sản. Tiếp tục bố trí, sắp xếp lại dân cư và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa làng cá là yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

4. Phát triển thủy sản theo hướng chất lượng và bền vững, trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội; chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển.

5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản trên cơ sở tiếp cận khoa học về quản lý tổng hợp nghề cá có sự tham gia của cộng đồng và mối quan hệ tương hỗ với các ngành kinh tế khác nhằm phát triển thủy sản và xã hội nghề cá bền vững.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020

1. Ngành thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới. Đồng thời từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

2. Kinh tế thủy sản đóng góp 30 – 35% GDP trong khối nông – lâm – ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 – 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 – 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65 – 70% tổng sản lượng.

3. Tạo việc làm cho 5,0 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiệu nay; trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo. Xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo thành các cộng đồng dân cư giàu truyền thống tương thân, tương ái, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Định hướng phát triển theo lĩnh vực

a) Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tập trung nghiên cứu điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các hoạt động nghiên cứu nguồn lợi và tổ chức khai thác thủy sản trên biển.

Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, tuyến biển, với môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản. Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp để định hướng khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản trên biển, tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch. Củng cố và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất khai thác hải sản như: tổ đội sản xuất, hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết, các mô hình hậu cần dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trên biển. Đổi mới xây dựng các hợp tác xã và liên minh hợp tác xã nghề cá theo hướng thật sự vì lợi ích của ngư dân, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, gắn kết cộng đồng, phát triển và ổn định xã hội vùng biển và hải đảo. Hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ mạnh để hoạt động khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương với các nước trong khu vực.

Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, đặc biệt sớm hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ cứu nạn. Tăng cường bảo vệ, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển. Xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ nguồn lợi gắn với bảo vệ ngư dân và quốc phòng an ninh trên biển và hải đảo.

Củng cố, phát triển ngành cơ khí đóng, sửa tàu cá, có lộ trình phù hợp chuyển nhanh các tàu cá vỏ gỗ sang vỏ thép, vật liệu mới, … phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành cơ khí tàu cá, các ngành sản xuất lưới sợi, ngư cụ phục vụ khai thác gắn với đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển và trên các hải đảo.

Nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nghề khai thác hải sản. Xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa, nhân rộng các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng, ban hành cơ chế chính sách quản lý phù hợp; thực hiện việc thả các giống thủy sản đảm bảo chất lượng ra biển và các thủy vực nội địa theo mùa vụ để phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Xây dựng và thiết lập cơ chế, chính sách quản lý khai thác nội địa từ điều tra nguồn lợi trên các lưu vực sông, suối, hồ đến quản lý khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Chống đánh bắt bất hợp pháp, hủy diệt nguồn lợi.

b) Nuôi trồng thủy sản

- Đối với vùng nước ngọt:

Ổn định diện tích nuôi các loài cá truyền thống trên các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa để tăng nguồn thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, đồng bào miền núi, góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo. Không ngừng đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng các đối tượng nuôi, các giống thủy đặc sản (lươn, ếch, baba, tôm càng xanh, cá chình, rô phi ...) và các giống thủy sản mới (cá nước lạnh, cá cảnh …) phục vụ xuất khẩu, du lịch và thị trường nội địa. Tập trung triển khai áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP đối với sản xuất cá tra công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Đối với vùng nước lợ:

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ