Loading


Quyết định 201/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 201/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/12/2001
Ngày có hiệu lực 28/12/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 201/2001/QĐ-TTG NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 2001 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ''CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC 2001- 2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Xét tờ trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010" kèm theo quyết định này.

Điều 2. Phân công thực hiện Chiến lược:

a) Hội đồng Quốc gia Giáo dục giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010.

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch giáo dục 5 năm và hàng năm phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 vào đầu năm 2006 và tổng kết vào đầu năm 2011.

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đào tạo nghề phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010; xây dựng các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách.

d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các ngành và các địa phương đưa kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo nhân lực vào kế hoạch định kỳ của ngành và địa phương; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức công tác thông tin về nhu cầu nhân lực và biến động của thị trường lao động.

e) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định tỷ lệ ngân sách hàng năm chi cho giáo dục, đảm bảo việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010; hoàn thiện chính sách tài chính và chế độ quản lý tài chính trong lĩnh vực giáo dục để sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục; xây dựng các chính sách về tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục, các chính sách tài chính khuyến khích gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng, khuyến khích các thành phần kinh tế - xã hội đầu tư cho giáo dục.

g) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện cải cách hành chính trong ngành giáo dục; xác định biên chế, xây dựng các chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành giáo dục, đối với các tập thể, cá nhân tham gia xã hội hoá giáo dục.

h) Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch sử dụng tiềm lực của ngành giáo dục trong nghiên cứu khoa học - công nghệ và ứng dụng, bảo vệ môi trường; chủ trì tổ chức thực hiện việc kết hợp các hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ giữa các viện nghiên cứu với các trường đại học, cao đẳng.

i) Các Bộ, ngành theo chức năng và nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 trong phạm vi thẩm quyền; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành khác triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục trên phạm vi toàn quốc.

k) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phát triển giáo dục trên địa bàn theo thẩm quyền; xây dựng và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch giáo dục 5 năm và hàng năm phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC 2001 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ)

MỞ ĐẦU

Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 là: ²Đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá². ²Con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian so với các nước đi trước, vừa có những bước tuần tự, vừa có những bước nhẩy vọt...". Để đạt được các mục tiêu nêu trên, giáo dục và khoa học công nghệ có vai trò quyết định, nhu cầu phát triển giáo dục là rất bức thiết.

Sau gần 15 năm đổi mới, giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng còn những yếu kém, bất cập. Chiến lược phát triển giáo dục năm 2001 - 2010 xác định mục tiêu, giải pháp và các bước đi theo phương châm đa dạng hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, xây dựng một nền giáo dục có tính thực tiễn và hiệu quả, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng, đưa nền giáo dục nước ta sớm tiến kịp các nước phát triển trong khu vực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, góp phần đắc lực thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010.

1. TÌNH HÌNH GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN NAY:

1.1. Những thành tựu:

Buớc vào Thế kỷ 21 giáo dục Việt nam đã trải qua 15 năm đổi mới và thu được những thành quả quan trọng về mở rộng quy mô, đa dạng hoá các hình thức giáo dục và nâng cấp cơ sở vật chất cho nhà trường. Trình độ dân trí được nâng cao. Chất lượng giáo dục có những chuyển biến bước đầu.

a) Một hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh, thống nhất và đa dạng hoá đã được hình thành với đầy đủ các cấp học và trình độ đào tạo từ mầm non đến sau đại học. Mạng lưới các trường phổ thông được xây dựng rộng khắp trên toàn quốc. Các tỉnh và nhiều huyện miền núi có trường nội trú và bán trú cho con em các dân tộc ít người. Các trường, lớp trung tâm dạy nghề phát triển dưới nhiều hình thức, các lớp dạy nghề ngắn hạn phát triển mạnh. Các trường đại học và cao đẳng được thành lập ở hầu hết các khu dân cư lớn của cả nước, các vùng, các địa phương. Cơ sở vật chất kỹ thuật các trường được nâng cấp, cải thiện. Số trường lớp được xây dựng mới theo chuẩn quốc gia ngày càng tăng.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ