Loading


Quyết định 2072/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án "Rà soát đánh giá hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2072/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/12/2021
Ngày có hiệu lực 10/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Bình Minh
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2072/-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “RÀ SOÁT ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA CÁC HIỆP ĐỊNH TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN, TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KHÔNG GIAN CHÍNH SÁCH THUẾ CỦA VIỆT NAM VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐIỀU CHỈNH”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Rà soát đánh giá hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuê hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh” (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu

Hoàn thiện chính sách đàm phán, ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (sau đây gọi là Hiệp định thuế) phù hợp xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán, công khai minh bạch.

Chiến lược đàm phán Hiệp định thuế trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam hiện nay ngoài mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam còn phải đảm bảo chủ trương khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đem lại lợi ích tối đa cho Việt Nam trong việc phân chia quyền đánh thuế giữa Việt Nam và bên đối tác ký kết Hiệp định, nâng cao hiệu quả xử lý tranh chấp thuế quốc tế và chống trốn, tránh thuế.

2. Quan điểm:

Việc xây dựng Đề án cần thiết phải được quán triệt đầy đủ và vận dụng sáng tạo các nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

3. Đối tượng của Đề án: Đề án tập trung nghiên cứu các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam và tác động của các Hiệp định thuế tới không gian chính sách thuế của Việt Nam.

4. Phạm vi của Đề án: Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả chính sách đàm phán Hiệp định của Việt Nam và toàn bộ hệ thống Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết từ giai đoạn năm 1992 đến nay và đề xuất chiến lược đàm phán Hiệp định thuế của Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế.

5. Giải pháp chủ yếu của Đề án:

a) Xây dựng chiến lược đàm phán, ký kết Hiệp định thuế trong giai đoạn 2021 -2030:

- Phân tích tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới để xác định các đối tác ưu tiên dựa trên các tiêu chí quan hệ chính trị, ngoại giao, quan hệ về thương mại, đầu tư... cần tiến hành đàm phán, ký kết trong thời gian tới. Các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội doanh nghiệp có đánh giá điều kiện thực tế và tác động của việc ký kết từng điều khoản Hiệp định thuế để xây dựng chiến lược và phương án đàm phán phù hợp.

- Xây dựng kế hoạch đàm phán tổng thể trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có lộ trình cụ thể, ưu tiên các đối tác chiến lược cần triển khai đàm phán, ký kết để hỗ trợ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.

- Đổi mới phương thức xúc tiến đàm phán của Việt Nam, thay việc khởi xướng đàm phán xuất phát từ phía đối tác, Việt Nam sẽ chủ động đề xuất đàm phán với các nước mà có thể vừa đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam, vừa tạo đà cho sự phát triển kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam tiến hành kinh doanh tại nước ngoài.

b) Đổi mới chính sách đàm phán Hiệp định thuế với các đối tác mới:

- Nghiên cứu xu hướng quốc tế đối với việc đề xuất các điều khoản mới của Hiệp định thuế, đặc biệt liên quan đến các vấn đề chống lợi dụng Hiệp định thuế, chống hình thành cơ sở thường trú, thu nhập từ hoạt động kinh tế kỹ thuật số, thủ tục thỏa thuận song phương. Trên cơ sở đó, đề xuất đối sách Hiệp định thuế của Việt Nam đối với từng đối tác ký kết, đảm bảo hiệu quả tối ưu khi tham gia đàm phán Hiệp định thuế.

- Đề xuất Bộ nguyên tắc đàm phán Hiệp định thuế trong bối cảnh mới trên cơ sở đánh giá toàn diện xu thế quốc tế, tình hình kinh tế của cả Việt Nam và nước đối tác. Bộ nguyên tắc đàm phán được xây dựng cụ thể và chi tiết áp dụng cho từng nhóm đối tác ký kết Hiệp định thuế.

- Xây dựng Mẫu Hiệp định thuế mở để có thể linh hoạt trong việc sử dụng cho các nước đối tác ký kết Hiệp định thuế có những đặc điểm kinh tế, vị trí địa lý, chính sách nội luật... khác nhau. Đối với những nước đối tác thuộc nhóm những nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển sẽ có những lựa chọn từng điều khoản Hiệp định thuế tương ứng và phù hợp với từng đối tượng đàm phán cụ thể.

c) Triển khai đàm phán lại đối với các Hiệp định thuế đã ký:

- Rà soát toàn bộ các Hiệp định thuế đã ký; phân tích và đánh giá các điều khoản không còn phù hợp với tình hình mới của tng Hiệp định. Từ đó, đề xuất bổ sung những điều khoản chưa có trong Hiệp định, sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản không còn phù hợp tại từng Hiệp định thuế đã ký dưới hình thức đàm phán, ký Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định thuế đã ký.

- Đánh giá khả năng về việc chấp nhận đàm phán lại của phía nước đối tác để xây dựng phương án đàm phán phù hợp (nếu cần phải đánh đối với các điều khoản khác trong trường hợp điều khoản cần bổ sung, sửa đổi hay hủy bỏ có mức độ trọng yếu cao).

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ