THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2081/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CẤP ĐIỆN NÔNG THÔN, MIỀN NÚI VÀ HẢI ĐẢO GIAI ĐOẠN 2013 -
2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Luật điện lực ngày 14 tháng 12 năm 2004
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực ngày 20 tháng 11 năm
2012;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12
năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình
cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 (sau đây gọi tắt
là Chương trình cấp điện nông thôn hoặc Chương trình) với các nội dung chính
như sau:
1. Quan điểm
- Thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện
để cung cấp điện với chất lượng bảo đảm tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo
nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng
bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được
sử dụng điện để sản xuất và phục vụ đời sống.
- Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân, Trung
ương và địa phương cùng làm trong phát triển điện nông thôn. Kết hợp Chương
trình cấp điện nông thôn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông
thôn mới và các chương trình khác có liên quan trên địa bàn nông thôn, miền núi
và hải đảo.
- Phát triển điện nông thôn, bao gồm việc xây dựng
mới và cải tạo nâng cấp hệ thống điện hiện có, phù hợp với quy hoạch, kết hợp với
việc bố trí lại dân cư trên từng địa bàn; phát triển có trọng tâm, trọng điểm,
thực hiện từng bước phù hợp với khả năng cân đối tài chính. Ưu tiên cấp điện
cho các xã chưa có điện, những địa phương có tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng
điện lưới quốc gia thấp hơn mức bình quân chung toàn quốc, những địa bàn trọng
yếu về an ninh, quốc phòng.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát: Tạo động lực cho các chương
trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần,
góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa
các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện
chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, góp phần
cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong vùng và giữa các vùng một
cách bền vững, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu,
vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Cung cấp điện từ lưới điện quốc gia cho khu vực
nông thôn, miền núi, hải đảo; cùng với việc cung cấp điện từ nguồn năng lượng mới
và tái tạo, thực hiện mục tiêu đến năm 2015 về cơ bản các xã trên toàn quốc có
điện đưa đến trung tâm xã, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, với:
+ Số xã được cấp điện: 57 xã.
+ Số thôn, bản được cấp điện: khoảng 12.140 thôn, bản.
+ Số hộ dân được cấp điện: khoảng 1.288.900 hộ dân.
- Giai đoạn 2013 - 2015:
+ Số xã được cấp điện: 40 xã.
+ Số thôn, bản được cấp điện: khoảng 2.500 thôn, bản.
+ Số hộ dân được cấp điện từ điện lưới quốc gia:
khoảng 140.800 hộ dân.
- Định hướng giai đoạn 2016 - 2020:
+ Số xã được cấp điện: 17 xã.
+ Số thôn, bản được cấp điện: khoảng 9.640 thôn, bản.
+ Số hộ dân được cấp điện từ điện lưới quốc gia:
khoảng 1.126.800 hộ dân.
+ Số hộ dân được cấp điện từ nguồn điện ngoài lưới
điện quốc gia: khoảng 21.300 hộ dân.
3. Thời gian và phạm vi thực hiện
Chương trình cấp điện nông thôn
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 đến hết năm
2020.
- Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn nông thôn toàn quốc,
trọng tâm là địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,
vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn.
4. Định hướng cấp điện và phân kỳ
đầu tư:
a) Định hướng cấp điện:
- Cấp điện lưới quốc gia đến các xã, thôn, bản có
suất đầu tư cấp điện cho một hộ dân không quá cao; các thôn, bản trọng yếu về
an ninh quốc phòng.
- Các khu vực có suất đầu tư cấp điện cho một hộ
dân từ điện lưới quốc gia quá cao được nghiên cứu cấp điện bằng các nguồn điện
ngoài lưới điện quốc gia như: Điện gió, thủy điện nhỏ, thủy điện cực nhỏ, điện
mặt trời, trạm nạp ắc quy,....
b) Phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn 2013 - 2015:
+ Ưu tiên đầu tư cho các dự án đang triển khai.
+ Các xã chưa có điện.
+ Các thôn, bản biên giới, khu vực cần tăng cường về
an ninh, chính trị, xã hội.
+ Các xã, thôn, bản thuộc các địa phương có tỷ lệ hộ
dân sử dụng điện lưới quốc gia thấp hơn mức trung bình chung của cả nước.
+ Các thôn, bản đã có quy hoạch sắp xếp, bố trí dân
cư ổn định.
+ Các thôn, bản chưa có điện thuộc các xã trong
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015.
- Giai đoạn 2016 - 2020:
+ Hoàn thành việc đưa điện đến hầu hết các hộ dân
nông thôn trong toàn quốc.
+ Đầu tư phát triển lưới điện để cung cấp điện lưới
quốc gia cho đồng bào dân tộc tại các xã, thôn, bản chưa có điện có suất đầu tư
không quá cao.
+ Đầu tư cấp điện bằng các nguồn điện tại chỗ (nguồn
năng lượng tái tạo, trạm nạp ắc quy...) cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn
không thể cấp điện từ lưới điện quốc gia hoặc cấp điện từ lưới điện quốc gia có
chi phí quá lớn.
5. Nhu cầu vốn và nguồn vốn thực
hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020:
a) Nhu cầu vốn đầu tư:
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: khoảng 28.809 tỷ đồng.
+ Vốn đầu tư cấp điện bằng lưới điện quốc gia: khoảng
27.328 tỷ đồng.
+ Vốn đầu tư cấp điện bằng nguồn ngoài lưới điện quốc
gia: khoảng 1.481 tỷ đồng.
- Phân theo nguồn vốn đầu tư:
+ Vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA: khoảng
24.709 tỷ đồng.
+ Vốn đối ứng của chủ đầu tư: khoảng 4.100 tỷ đồng.
b) Phân kỳ đầu tư trong các giai đoạn:
- Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2015: khoảng
4.881 tỷ đồng.
+ Đầu tư mới cấp điện các xã chưa có điện: khoảng
684 tỷ đồng.
+ Các dự án đang triển khai, đã có nguồn vốn: khoảng
2.619 tỷ đồng.
+ Chuẩn bị đầu tư và đầu tư cấp điện cho các thôn,
bản đặc biệt cấp bách (khi có vốn ODA): khoảng 1.578 tỷ đồng
- Định hướng giai đoạn 2016 - 2020: khoảng 23.928 tỷ
đồng.
+ Hoàn thành cấp điện các xã chưa có điện: khoảng
388 tỷ đồng;
+ Đầu tư cấp điện cho các thôn, bản từ lưới điện quốc
gia: khoảng 22.059 tỷ đồng.
+ Đầu tư cấp điện bằng các nguồn ngoài lưới điện quốc
gia: khoảng 1.481 tỷ đồng.
Nhu cầu đầu tư của Chương trình và các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các tỉnh hoặc các địa phương) có
tên trong danh sách tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này được chuẩn xác
khi phê duyệt dự án đầu tư cấp điện nông thôn trên địa bàn của các địa phương.
c) Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
- Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
- Vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
- Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư.
- Các nguồn vốn hợp pháp khác.
6. Các giải pháp chủ yếu để thực
hiện Chương trình:
a) Cơ chế đầu tư:
- Đối với các dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải
đảo (sau đây gọi tắt là dự án cấp điện nông thôn hoặc dự án) đang triển khai:
Tiếp tục thực hiện theo cơ chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với các dự án cấp điện nông thôn từ nguồn điện
lưới quốc gia:
+ Nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA chiếm
85% vốn đầu tư.
+ Chủ đầu tư tự cân đối 15% vốn đầu tư.
- Đối với các dự án cấp điện nông thôn từ nguồn điện
ngoài lưới điện quốc gia:
+ Nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA chiếm
100% vốn mua sắm và xây lắp.
+ Chủ đầu tư tự cân đối phần vốn còn lại.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không
có tên trong danh sách tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này; các dự án
của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn
sau tiếp nhận lưới điện: Việc huy động vốn cho các dự án cấp điện nông thôn thực
hiện theo quy định hiện hành.
- Các Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực
Việt Nam bố trí vốn thực hiện cải tạo, nâng cấp lưới điện để đảm bảo cung cấp
điện khi thực hiện các dự án cấp điện nông thôn trong Chương trình này.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án trong Chương
trình này vận động nhân dân khu vực trực tiếp hưởng lợi từ Chương trình tự nguyện
tham gia, đóng góp trong công tác giải phóng mặt bằng tại các vị trí cột và
hành lang tuyến đường dây (trừ đất thổ cư, nhà cửa, công trình phụ bị ảnh hưởng
bởi việc xây dựng lưới điện trung áp) để triển khai thực hiện dự án.
b) Nguồn vốn đầu tư và cân đối vốn đầu tư:
- Đối với các dự án đang thực hiện:
+ Các dự án đang thực hiện từ nguồn vốn ODA đã được
bố trí vốn theo các Hiệp định vay, tài trợ vốn: Tiếp tục triển khai theo các
quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Các dự án đang triển khai bằng nguồn vốn ngân
sách Trung ương đã có kế hoạch vốn: Được tiếp tục bố trí từ nguồn vốn ngân sách
Trung ương cho các năm tiếp theo, theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, đầu tư mới cấp
điện bằng lưới điện quốc gia:
+ Sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có
mục tiêu theo kế hoạch hàng năm và/hoặc từ nguồn vốn vay, vốn tài trợ ODA của
Chính phủ theo các Hiệp định vay, tài trợ vốn cụ thể.
+ Vốn đối ứng của chủ đầu tư do chủ đầu tư cân đối
hàng năm phù hợp với tiến độ dự án.
+ Đóng góp của các hộ dân trong công tác giải phóng
mặt bằng.
- Đối với các dự án đầu tư mới cấp điện bằng nguồn
điện ngoài lưới điện quốc gia:
+ Chủ yếu sử dụng các nguồn tài trợ ODA không hoàn
lại của Chính phủ theo các Hiệp định tài trợ vốn cụ thể, nguồn ngân sách Trung
ương hỗ trợ trong các trường hợp có yêu cầu đặc biệt.
+ Vốn đối ứng của chủ đầu tư do chủ đầu tư cân đối
hàng năm phù hợp với tiến độ dự án.
+ Đóng góp của các hộ dân trong công tác giải phóng
mặt bằng.
c) Cơ chế điều phối, giao chủ
đầu tư:
- Cơ quan điều phối Chương trình: Bộ Công Thương.
- Cơ quan chủ quản các dự án trong Chương trình:
+ Đối với các dự án cấp điện nông thôn do EVN là chủ
đầu tư: Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Công Thương.
+ Đối với các dự án cấp điện nông thôn do tỉnh là
chủ đầu tư: Cơ quan chủ quản dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh có dự án.
- Chủ đầu tư các dự án cấp điện nông thôn:
+ Đối với các dự án đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc
gia:
. Mỗi tỉnh trong danh sách tại Phụ lục ban hành kèm
theo Quyết định này do một chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án cấp điện nông
thôn tại địa phương. Chủ đầu tư tổ chức lập và triển khai dự án theo từng giai
đoạn đầu tư, phân chia dự án thành phần phù hợp với việc sắp xếp, bố
trí nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hoặc vốn ODA để thực hiện
dự án;
. Đối với các tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng
ý chủ trương triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn và có khả năng bố
trí được vốn đối ứng cho dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh được giao cho cơ quan có
chức năng của tỉnh làm chủ đầu tư;
. Đối với các tỉnh còn lại trong Chương trình, giao
EVN triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư; EVN được giao cho
các Tổng công ty Điện lực làm chủ đầu tư;
. Trước khi thực hiện dự án, trường hợp cần thiết
điều chỉnh chủ đầu tư giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và EVN: Giao Bộ Công Thương chủ
trì, làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh và EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem
xét, quyết định.
+ Đối với các dự án đầu tư cấp điện từ nguồn ngoài
lưới điện quốc gia:
. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện, Ủy
ban nhân dân tỉnh được giao cho cơ quan có chức năng của tỉnh làm chủ đầu tư.
. Chủ đầu tư tổ chức lập và triển khai dự án phù hợp
với việc sắp xếp, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hoặc
vốn ODA để thực hiện dự án.
d) Công tác quản lý vận hành:
- Đối với các dự án đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc
gia: Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận vốn, tài sản sau đầu tư, quản lý
vận hành và bán điện đến hộ gia đình theo các quy định hiện hành.
- Đối với các dự án đầu tư cấp điện từ nguồn ngoài
lưới điện quốc gia: Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức quản lý vận hành và khai
thác dự án sau đầu tư.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương:
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều phối thực hiện
Chương trình.
- Giao nhiệm vụ cho một đơn vị trực thuộc thực hiện
nhiệm vụ quản lý, điều phối thực hiện Chương trình.
- Hướng dẫn quy trình, thủ tục: Lập,
thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và thực hiện đầu tư dự án điện nông thôn;
đăng ký vốn thực hiện dự án; giám sát quá trình thực hiện và báo cáo kết quả thực
hiện dự án.
- Quy định suất vốn đầu tư tối đa cấp điện cho một
hộ dân nông thôn, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng thời kỳ.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính làm việc với nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ vốn
ODA cho Việt Nam để bổ sung nguồn vốn thực hiện Chương trình.
- Trên cơ sở tình hình triển khai và nhu cầu vốn
hàng năm của các dự án trong Chương trình, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính về kế hoạch vốn hàng năm cho các dự án cấp điện nông thôn trong
Chương trình.
- Phê duyệt các dự án cấp điện nông thôn do EVN thực
hiện.
- Thỏa thuận danh mục các công trình của dự án cấp
điện nông thôn phù hợp với quy định tại Quyết định này đối với các dự án cấp điện
nông thôn do Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt dự án đầu tư.
- Điều phối, tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ kỹ
thuật trong các Hiệp định vay vốn ODA đầu tư các dự án điện nông thôn theo quy
định hiện hành.
- Chủ trì tổ chức, phối hợp với các Bộ, ngành và
các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình triển
khai thực hiện Chương trình; tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương
trình theo định kỳ hàng năm, từng giai đoạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công
Thương căn cứ vào phân kỳ đầu tư các dự án cấp điện nông thôn đã được phê duyệt
để tổng hợp nhu cầu vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình.
- Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối vốn đầu tư
của ngân sách Trung ương, tình hình triển khai và nhu cầu vốn hàng năm của dự
án trong Chương trình theo đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan dự kiến
phương án hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với các dự án, trên cơ sở đó tổng
hợp chung trong tổng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, báo cáo Chính phủ
trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài
chính đề xuất với nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ vốn ODA
cho Việt Nam để bổ sung nguồn vốn thực hiện Chương trình.
3. Bộ Tài chính:
- Thực hiện cân đối tài chính hằng năm để bố trí vốn
cho Chương trình theo phân kỳ được duyệt.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công
Thương xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư lưới điện nông thôn;
làm việc và đề xuất với nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ vốn
ODA cho Việt Nam để bổ sung nguồn vốn thực hiện Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan
hướng dẫn việc bàn giao, tiếp nhận vốn, tài sản và hoàn trả vốn đối với các dự
án cấp điện nông thôn.
4. Các Bộ, ngành khác: Theo chức năng nhiệm vụ của
từng Bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
Tập đoàn Điện lực Việt Nam xử lý các vấn đề liên quan trong quá trình triển
khai thực hiện Chương trình.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương:
- Các tỉnh thực hiện dự án cấp điện nông thôn trong
Chương trình này thành lập Ban chỉ đạo dự án cấp điện nông thôn của tỉnh do một
lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, thành viên gồm lãnh đạo các Sở,
Ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, Công ty Điện lực tỉnh để phối
hợp chỉ đạo thực hiện và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự
án tại địa phương.
- Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện công tác đền
bù giải phóng mặt bằng, chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương thông báo chủ
trương và vận động nhân dân tham gia giải phóng mặt bằng các vị trí cột và hành
lang tuyến đường dây để chủ đầu tư triển khai dự án.
- Chỉ đạo bố trí, sắp xếp lại dân cư khu vực vùng
sâu, vùng xa để thuận tiện cho thực hiện dự án cấp điện nông thôn; chỉ đạo lồng
ghép có hiệu quả Chương trình cấp điện nông thôn với các Chương trình, dự án
khác trên địa bàn.
- Đối với các tỉnh được giao làm chủ đầu tư:
+ Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư
dự án cấp điện nông thôn. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện dự án
theo các quy định hiện hành và quy định tại Quyết định này.
+ Bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện dự án.
+ Đăng ký vốn dự án, kế hoạch sử dụng vốn ngân sách
Trung ương hàng năm với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương cân đối, tổng hợp, gửi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
+ Phối hợp các Bộ, ngành thu xếp vốn hàng năm và
triển khai thực hiện đầu tư dự án theo các quy định hiện hành, đảm bảo đúng tiến
độ.
+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý thực
hiện dự án cấp điện nông thôn tại địa phương và thực hiện chế độ báo cáo theo
quy định; hàng quý báo cáo công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách
Trung ương theo quy định, gửi về các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Công
Thương.
- Đối với các dự án cấp điện từ nguồn điện ngoài lưới
điện quốc gia: Ngoài chức năng của chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức quản
lý vận hành và khai thác dự án sau đầu tư.
6. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Đối với dự án điện nông thôn tại các tỉnh do EVN
triển khai thực hiện:
+ Tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định,
phê duyệt dự án.
+ Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực thực hiện các dự
án đảm bảo chất lượng, tiến độ.
+ Thu xếp đủ vốn đối ứng và triển khai thực hiện đầu
tư các dự án cấp điện nông thôn theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo đúng tiến
độ.
+ Hàng quý báo cáo công tác quản lý và sử dụng vốn
đầu tư từ ngân sách Trung ương và đăng ký nhu cầu vốn từ ngân sách Trung ương
hàng năm theo quy định, gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Công
Thương.
+ Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và các Sở,
ngành của tỉnh giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
- Đối với các dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện
quốc gia do Ủy ban nhân dân tỉnh làm chủ đầu tư: Thực hiện tiếp nhận, tổ chức
quản lý vận hành, bán điện đến hộ dân sau khi các dự án thành phần được hoàn
thành, đưa vào sử dụng; tổ chức tiếp nhận vốn, tài sản sau khi các dự án thành
phần được quyết toán.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Bổ sung Chương trình cấp điện nông thôn, miền
núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 vào danh mục các chương trình hỗ trợ có mục
tiêu từ ngân sách Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg
ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Hội đồng thành viên; Chủ tịch Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc Tập đoàn
Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, KTN (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
PHỤ LỤC
DANH SÁCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH CẤP ĐIỆN
NÔNG THÔN, MIỀN NÚI VÀ HẢI ĐẢO GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của
Thủ tướng Chính phủ)
Các tỉnh thực hiện theo cơ chế vốn ngân sách Trung
ương và vốn vay ODA chiếm 85%, vốn chủ đầu tư chiếm 15%.
Thứ tự
|
Tên tỉnh
|
Thứ tự
|
Tên tỉnh
|
1
|
Lai Châu
|
25
|
Bình Định
|
2
|
Điện Biên
|
26
|
Phú Yên
|
3
|
Hà Giang
|
27
|
Khánh Hòa
|
4
|
Sơn La
|
28
|
Gia Lai
|
5
|
Cao Bằng
|
29
|
Kon Tum
|
6
|
Lào Cai
|
30
|
Đắk Lắk
|
7
|
Yên Bái
|
31
|
Đắk Nông
|
8
|
Bắc Kạn
|
32
|
Lâm Đồng
|
9
|
Lạng Sơn
|
33
|
Bình Thuận
|
10
|
Tuyên Quang
|
34
|
Bình Phước
|
11
|
Quảng Ninh
|
35
|
Tây Ninh
|
12
|
Thái Nguyên
|
36
|
Bến Tre
|
13
|
Phú Thọ
|
37
|
Trà Vinh
|
14
|
Bắc Giang
|
38
|
An Giang
|
15
|
Hòa Bình
|
39
|
Kiên Giang
|
16
|
Hải Phòng
|
40
|
Cần Thơ
|
17
|
Thanh Hóa
|
41
|
Sóc Trăng
|
18
|
Nghệ An
|
42
|
Bạc Liêu
|
19
|
Hà Tĩnh
|
43
|
Long An
|
20
|
Quảng Bình
|
44
|
Tiền Giang
|
21
|
Quảng Trị
|
45
|
Vĩnh Long
|
22
|
Thừa Thiên Huế
|
46
|
Đồng Tháp
|
23
|
Quảng Nam
|
47
|
Hậu Giang
|
24
|
Quảng Ngãi
|
48
|
Cà Mau
|