Loading


Quyết định 2169/QĐ-TTg năm 2021 về Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2169/QĐ-TTg
Ngày ban hành 22/12/2021
Ngày có hiệu lực 22/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2169/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG THỦ DÂN SỰ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Căn c Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Tờ trình số 4894/TTr-BQP ngày 07 tháng 12 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương;
- Ban
Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,

TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, NN, CN, KGVX;
- Lưu: VT, NC (2).

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG THỦ DÂN SỰ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 2169/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Tình hình thế giới, khu vực

Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song dự báo môi trường chính trị, an ninh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Cục diện thế giới tiếp tục thay đổi theo hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế đang làm gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế, đặt các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn. Tần suất bão gia tăng và có quỹ đạo ngày càng khó dự báo hơn; xu thế tăng của nhiệt độ trung bình năm cùng với sự biến đổi của lượng mưa làm cho hạn hán, lũ lụt ngày càng bất thường hơn. Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và làm gia tăng các loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng (bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất, xâm nhập mặn...), tác động xấu đến hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường và sự an toàn của con người.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc và tiềm ẩn nhiều bất ổn. Chính sách cường quyền của các nước lớn, nhu cầu bảo hộ lợi ích của các nước trong khu vực, sự bất ổn về chính trị ở một số quốc gia đang tạo nên làn sóng chạy đua vũ trang. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp và ngày càng quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh.

2. Tình hình trong nước và thực trạng công tác phòng thủ dân sự

Những năm vừa qua, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn quy định và vượt mục tiêu đề ra; hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học tiếp tục được nâng lên; Chính phủ đã có nhiều chương trình quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã có chuyển biến rõ rệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng khá đầy đủ và toàn diện, tất cả các yếu tố trên đây đã tạo cơ sở vững chắc cho công tác phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng từ bên ngoài gia tăng, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu còn hạn chế, cùng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh, các loại dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Công tác phòng thủ dân sự thời gian qua đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đạt được những kết quả quan trọng trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức người dân ngày càng chủ động với hình thức đa dạng, nội dung phong phú hơn đã cuốn hút được nhân dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác phòng thủ dân sự. Công tác xây dựng kế hoạch ở các bộ nhằm ứng phó với các tình huống, thảm họa bước đầu đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp lực lượng khi có tình huống xảy ra. Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm được quan tâm về tổ chức, trang bị cũng như nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác phòng thủ dân sự tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện đã tạo nền tảng vững chắc để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của trung ương và địa phương nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố, dịch bệnh gây ra. Các công hình trú ẩn sử dụng trong chiến tranh, công trình tránh bão cho cộng đồng trên các đảo gần bờ và xa bờ đang được tiếp tục triển khai theo quy hoạch của các bộ, các địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được công tác phòng thủ dân sự vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục: Năng lực dự báo, cảnh báo rủi ro thiên tai chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, vẫn còn bị động đối với một số loại hình thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất. Công tác di dời người dân từ vùng có nguy cơ cao đến khu vực an toàn còn chậm; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân khu vực vùng núi, vùng đồng bào dân tộc hiệu quả chưa cao. Sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng, thực hiện quy hoạch cũng như ứng phó một số loại hình thiên tai vẫn còn nội dung chưa thống nhất, thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Trang bị, phương tiện của lực lượng chuyên trách vẫn còn thiếu về chủng loại cũng như số lượng so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giám sát dự báo, cảnh báo để ứng phó rủi ro thiên tai, thảm họa chưa đồng đều ở các khâu và chưa tạo được đột phá trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, thảm họa. Công tác đầu tư ngân sách, bảo đảm vật chất, trang bị, phương tiện, vật tư cho phòng thủ dân sự còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số địa phương chưa gắn kết chặt chẽ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế với nâng cao năng lực phòng thủ dân sự cho địa phương mình. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trên đây cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và sự tham gia tích cực của mỗi người dân, trên cơ sở hoàn thiện cơ chế chính sách và tăng cường nguồn lực cho công tác phòng thủ dân sự.

3. Đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn

Việt Nam có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Trên bộ, diện tích đất liền có hơn 330 ngàn km2, địa thế dài và hẹp; có đường biên giới trên bộ dài khoảng 5.044 km, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Địa hình chia thành các vùng: rừng núi, trung du, đồng bằng ven biển.

Vùng rừng núi có nhiều núi đá, nhiều hang động, với nhiều kích cỡ khác nhau; nhiều hang động có thể tận dụng cải tạo thành các công trình phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, là vùng có nhiều núi cao, hiểm trở, có nhiều đường độc đạo, sông suối, thác ghềnh nên dễ bị chia cắt vào mùa mưa, gây ách tắc khó khăn cho cơ động lực lượng, nhất là khi di chuyển, sơ tán, bảo đảm cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật cho khắc phục thảm họa, chiến tranh.

[...]
1