Loading


Quyết định 2276/QĐ-BTP năm 2015 phê duyệt Đề án giấy tờ, sổ hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 2276/QĐ-BTP
Ngày ban hành 30/12/2015
Ngày có hiệu lực 01/01/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Khánh Ngọc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2276/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẤY TỜ, SỔ HỘ TỊCH

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật hộ tịch số 60/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;

Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;

Căn cứ Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020;

Nhằm tạo thuận tiện cho các cơ quan tư pháp địa phương,

Xét đề nghị của Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp và Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án giấy tờ, sổ hộ tịch.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Điều 3. Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Công nghệ thông tin, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Thanh tra Bộ Tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Lưu: VT, NXBTP, Cục HT, QT, CT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Khánh Ngọc

 

ĐỀ ÁN

GIẤY TỜ, SỔ HỘ TỊCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2276 /QĐ-BTP ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

A. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Tầm quan trọng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch

Đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động này, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, đồng thời có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Công tác hộ tịch trong thời gian qua đã góp Phần tích cực trong quản lý nhà nước, phục vụ đắc lực cho các cấp, các ngành hữu quan trong hoạch định và xây dựng các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước phù hợp, sát với tình hình thực tế như các chính sách về dân số, phân bổ dân cư, chia tách, sáp nhập địa giới hành chính. Ngoài ra, số liệu đăng ký hộ tịch cũng là cơ sở để các cấp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng như xây dựng trường học, công trình phúc lợi...

Trong những năm qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta đã có những bước phát triển ổn định, đạt được những kết quả quan trọng cả về thể chế, tổ chức, bộ máy làm công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, cả về cơ chế đăng ký, hệ thống cơ sở dữ liệu, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về vai trò, tầm quan trọng của đăng ký hộ tịch.

Ngày 20 tháng 11 năm 2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hộ tịch. Luật hộ tịch là đạo luật quan trọng liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có văn bản ở tầm Luật để Điều chỉnh riêng về lĩnh vực hộ tịch, sau hơn 60 năm Điều chỉnh bằng các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ; là bước hoàn thiện khá căn bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam, với nhiều quy định mới, mang tính đột phá, cách mạng.

II. Thực trạng công tác in và phát hành biểu mẫu và sổ hộ tịch

In, phát hành sổ, biểu mẫu hộ tịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp về công tác hộ tịch. Trong những năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch không ngừng hoàn thiện tạo hành lang pháp lý bảo đảm cho sự quản lý của Nhà nước về công tác hộ tịch; Tạo sự thống nhất trong toàn quốc và các Cơ quan đại diện trong việc thực hiện các văn bản pháp luật về hộ tịch đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết các yêu cầu đăng ký hộ tịch. Nhờ vậy, tạo Điều kiện thuận lợi cho công dân khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch. Song song với việc tạo hành lang pháp lý trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, in, phát hành sổ, biểu mẫu hộ tịch được hoàn thiện tạo Điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện đăng ký hộ tịch.

Hiện nay, Bộ Tư pháp in, phát hành 05 loại sổ hộ tịch (Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký kết hôn, Sổ đăng ký khai tử, Sổ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Sổ đăng ký việc giám hộ/nhận cha, mẹ, con) và 05 loại biểu mẫu bản chính (Giấy khai sinh- bản chính, Giấy chứng nhận kết hôn - bản chính, Giấy chứng tử - bản chính và Giấy chứng nhận kết hôn - bản chính , Quyết định công nhận cha, mẹ, con - bản chính sử dụng để đăng ký việc kết hôn; nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài).

[...]
2