Loading


Quyết định 2427/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2427/QĐ-TTg
Ngày ban hành 22/12/2011
Ngày có hiệu lực 22/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2427/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC KHOÁNG SẢN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm chỉ đạo

a) Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường;

b) Điều tra, đánh giá khoáng sản phải đi trước một bước, làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản để lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và dự trữ quốc gia.

c) Thăm dò, khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, sử dụng phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản và nhu cầu của các ngành kinh tế;

d) Chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao; chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước, chi xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản quy mô lớn;

đ) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.

2. Chiến lược

Ưu tiên đầu tư cho điều tra cơ bản về địa chất về khoáng sản cả phần đất liền và biển, hải đảo để làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản. Thăm dò, khai khác khoáng sản gắn với chế biến và sử dụng hiệu quả. Cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản; phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

3. Mục tiêu

a) Hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 trên diện tích lãnh thổ; hoàn thành công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1/500.000; đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác và dự trữ quốc gia;

b) Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đến năm 2050 đối với các khoáng sản: Than, urani, titan - zircon, đất hiếm, apatit, sắt, chì - kẽm, đồng, thiếc, mangan, cromit, bauxit, cát thủy tinh và một số khoáng sản khác;

c) Khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đến năm 2020 chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường; hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản;

d) Chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn. Các khoáng sản còn lại khai thác chế biến theo nhu cầu trong nước tăng cường dự trữ khoáng sản quốc gia làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội;

đ) Khuyến khích hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến một số loại khoáng sản ở nước ngoài, ưu tiên các khoáng sản ở Việt Nam có nhu cầu sử dụng.

4. Định hướng phát triển

a) Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

- Ưu tiên hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1/50.000 trên diện tích lãnh thổ, các hải đảo; điều tra địa chất khoáng sản biển tỉ lệ 1/500.000, chú trọng công tác điều tra, phát hiện khoáng sản ở các khu vực có cấu trúc địa chất thuận lợi cho tạo quặng;

- Đánh giá tổng thể tiềm năng một số loại khoáng sản quan trọng: Than nâu ở đồng bằng Sông Hồng; bauxit, sắt laterit ở Tây Nguyên; đất hiếm - urani, chì kẽm ở Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Bộ; liti, vàng ở Trung Trung Bộ; đá hoa trắng ở Bắc Bộ; đá ốp lát ở Trung Bộ; urani và một số loại khoáng sản khác trong các cấu trúc có tiền đề và dấu hiệu thuận lợi đến độ sâu 500 m, một số khu vực đến độ sâu 1.000 m.

[...]
2