Loading


Quyết định 2636/QĐ-BNV năm 2018 về phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 2636/QĐ-BNV
Ngày ban hành 10/12/2018
Ngày có hiệu lực 10/12/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Lê Vĩnh Tân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2636/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG”

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2020;

Căn cứ Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (sau đây gọi tắt tiếng Việt là Chỉ số CCHC, tiếng Anh là PAR INDEX), với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi tắt là bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng được Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ, cấp tỉnh theo đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của các bộ, các tỉnh.

- Xác định được thang điểm, phương pháp đánh giá cho các tiêu chí, tiêu chí thành phần, từ đó xác định được Chỉ số CCHC của từng bộ, từng tỉnh.

- Xây dựng được bộ câu hỏi điều tra xã hội học theo từng nhóm đối tượng điều tra, khảo sát.

- Hàng năm tổ chức triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Chỉ số CCHC phải bám sát nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

b) Chỉ số CCHC phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của các bộ, các tỉnh và đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh.

c) Tăng cường sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.

d) Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

3. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh:

Công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh.

b) Đối tượng áp dụng:

Các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

[...]
2