Loading


Quyết định 28/QĐ-BNV năm 2009 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 28/QĐ-BNV
Ngày ban hành 08/01/2009
Ngày có hiệu lực 08/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 28/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA VỤ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Chính quyền địa phương là tổ chức của Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức chính quyền địa phương và địa giới hành chính.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về công tác tổ chức chính quyền địa phương

a) Tham mưu, giúp Bộ trưởng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và bầu cử thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp để trình cấp có thẩm quyền quyết định;

b) Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo thẩm quyền để Bộ trưởng trình Chính phủ xem xét, quyết định hoặc ban hành theo thẩm quyền.

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các địa phương; tổng hợp kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân để Bộ trưởng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội;

d) Thẩm định về nhân sự đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trình cấp có thẩm quyền xem xét, giới thiệu để bầu cử theo quy định của pháp luật; thẩm định để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn đối với chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ viên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

đ) Hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật;

e) Tham dự các phiên họp định kỳ của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, khi cần thiết tham dự các cuộc họp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bàn về xây dựng chính quyền, quản lý địa giới hành chính và chương trình làm việc toàn khoá, hàng năm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

g) Thống kê số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; số lượng đơn vị hành chính các cấp.

2. Về công tác địa giới hành chính và đô thị:

a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, điều chỉnh địa giới hành chính; về quản lý, khai thác, sử dụng, lưu trữ hồ sơ địa giới hành chính; về đổi tên, phân loại đơn vị hành chính các cấp để Bộ trưởng trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra thực hiện đề án về thống nhất tên gọi, đặt tên mới, đổi tên các đối tượng địa lý trên đất liền, biển để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền quyết định;

c) Hướng dẫn, kiểm tra chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết địa giới hành chính cấp tỉnh khi còn có ý kiến khác nhau để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng đề án thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập mới, đổi tên, sáp nhập, chia tách hoặc giải thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương để Bộ trưởng trình Chính phủ xem xét;

đ) Thẩm định hồ sơ, thủ tục đề nghị thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, điều chỉnh địa giới hành chính, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để Bộ trưởng trình Chính phủ;

e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính do địa phương lập, sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới để trình Bộ trưởng quyết định đưa vào sử dụng và lưu trữ;

g) Thẩm định đề án nâng cấp về cấp quản lý hành chính đô thị thuộc tỉnh để Bộ trưởng trình Chính phủ quyết định;

h) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định hồ sơ, thủ tục để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh; thẩm định hồ sơ, thủ tục để Bộ trưởng quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp huyện; giúp Bộ trưởng hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp xã;

i) Quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

3. Về công tác xây dựng chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, văn bản hướng dẫn về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố theo phân công để Bộ trưởng trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền;

[...]
1