Loading


Quyết định 316/QĐ-BHXH năm 2011 về Chương trình hành động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 316/QĐ-BHXH
Ngày ban hành 30/03/2011
Ngày có hiệu lực 30/03/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Lê Bạch Hồng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Văn hóa - Xã hội

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 316/QĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP NGÀY 24 THÁNG 02 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TẬP TRUNG KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI

TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Chi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Chánh Văn phòng, Trưởng Ban Chi, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2 (để thực hiện);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ);
- TGĐ và các PTGĐ;
- Lưu VT, BC (5bản).

TỔNG GIÁM ĐỐC




Lê Bạch Hồng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP NGÀY 24 THÁNG 02 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TẬP TRUNG KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 316/QĐ-BHXH ngày 30/3/2011 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu:

- Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ; làm căn cứ cho các đơn vị dự toán cấp 2, cấp 3 trong ngành xây dựng chương trình hành động trong lĩnh vực, phạm vi được phân công quản lý.

- Toàn ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi và toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch năm 2011:

+ Phát triển nhanh số người tham gia, giảm nợ BHXH, BHYT; giải quyết đúng, kịp thời các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; kiên quyết khắc phục tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh còn xảy ra trong năm 2010 ở một số địa phương.

+ Đảm bảo nguồn kinh phí, thực hiện chi trả kịp thời, ổn định, thuận tiện, đúng chế độ chính sách và an toàn cho những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng có hiệu quả kinh phí chi quản lý bộ máy, chi đầu tư xây dựng cơ bản và nguồn kinh phí khác.

+ Trên cơ sở Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 9/12/2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, tập trung rà soát các quy định đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp; tạo bước chuyển biến mãnh mẽ và đồng bộ trong công tác xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành. Triển khai thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của ngành.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT và kết quả hoạt động của ngành; đẩy mạnh và cụ thể hóa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, từng cá nhân. Nâng cao năng lực quản lý, thực thi công việc và ý thức trách nhiệm của đội ngụ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Ngành trong giai đoạn mới.

2. Yêu cầu:

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong phạm vi nhiệm vụ của ngành BHXH một cách thiết thực.

- Tổ chức triển khai kịp thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành. Phát động và duy trì thường xuyên, liên tục thành các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực hoạt động của ngành.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG.

1. Tăng cường công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

- Về chi quản lý bộ máy: các đơn vị trong ngành chủ động sắp xếp các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi quản lý bộ máy của 9 tháng còn lại trong năm 2011 (không bao gồm chi tiền lương và các khoản có tính chất tiền lương, chi chế độ chính sách cho con người). Tạm dừng trang bị mới xe ô tô; cắt giảm việc mua sắm những tài sản, thiết bị văn phòng chưa thật cần thiết; không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách; hạn chế việc tổ chức hội họp, giảm tối đa chi phí và rút ngắn thời gian tổ chức hội họp; rà soát lại định mức tiêu hao xăng dầu cho từng ô tô đang sử dụng tại đơn vị; giảm tối đa chi phí điện thắp sáng, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, vật tư dùng cho chuyên môn. Sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được giao, cắt giảm các khoản chi phí tiếp khách, các đoàn ra nước ngoài mà không thiết thực.

- Về đầu tư xây dựng cơ bản: Rà soát các công trình, dự án sắp triển khai xác định cụ thể các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm 2011; Đối với các công trình, dự án đang triển khai thực hiện khẩn trương hoàn thành để kịp thời đưa vào sử dụng.

- Về chi quỹ khen thưởng, phúc lợi và các nguồn kinh phí khác: Tổ chức chi tiêu trên tinh thần tiết kiệm có hiệu quả, hạn chế những nội dung chi chưa thực sự cấp bách; thực hiện công khai tài chính đối với việc thu, chi quỹ khen thưởng, phúc lợi và các nguồn kinh phí khác. Kịp thời xem xét trợ cấp cho các cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng tại đơn vị có hoàn cảnh khó khăn theo đúng chế độ.

[...]
5