Loading


Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 338/QĐ-TTg
Ngày ban hành 03/04/2023
Ngày có hiệu lực 03/04/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Đầu tư,Lao động - Tiền lương,Bất động sản

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 338/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ÍT NHẤT 01 TRIỆU CĂN HỘ NHÀ Ở XÃ HỘI CHO ĐỐI TƯỢNG THU NHẬP THẤP, CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Biểu quyết của các thành viên Chính phủ về Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (Tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 17 tháng 10 năm 2022, Tờ trình số 57/TTr-BXD ngày 15 tháng 12 năm 2022, Báo cáo số 27/BC-BXD ngày 17 tháng 02 năm 2023, Báo cáo số 58/BC-BXD ngày 24 tháng 3 năm 2023) về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 -2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

 

ĐỀ ÁN

ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ÍT NHẤT 01 TRIỆU CĂN HỘ NHÀ Ở XÃ HỘI CHO ĐỐI TƯỢNG THU NHẬP THẤP, CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

Phần mở đầu

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hiến định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở. Do vậy, trong nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Các chính sách về nhà ở xã hội đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện được nhà ở. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo, của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2) giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận một cách khách quan, thẳng thắn để sớm khắc phục, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

I. CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ

1. Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 khóa XIII đã hiến định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” (khoản 1 Điều 22), “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (khoản 3 Điều 59).

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu: “Phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp; tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 27 - 27,5 m2 sàn/người” (Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025).

3. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu đề ra là: “Rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thủ tục hành chính về nhà ở xã hội.”, “Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp...; các tỉnh, thành phố bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.”.

4. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 có nêu: “Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Đến năm 2030, phấn đấu đạt 30 m2 sàn nhà ở bình quân đầu người”.

II. YÊU CẦU CẤP THIẾT CỦA THỰC TIỄN

1. Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Trong nhiều năm vừa qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp1 đến nay đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cũng như xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.

[...]
4