Loading


Quyết định 619/QĐ-TTg năm 2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 619/QĐ-TTg
Ngày ban hành 08/05/2020
Ngày có hiệu lực 08/05/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 619/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ỦY BAN SÔNG MÊ CÔNG VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công ký ngày 05 tháng 4 năm 1995 giữa Chính phủ 4 nước: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam, theo quy định của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam được sử dụng con dấu hình quốc huy và có tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có trụ sở tại số 23 Hàng Tre, thành phố Hà Nội và Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam:

a) Chiến lược hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hoạt động hợp tác, các chương trình, đề án, dự án về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực;

b) Kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách (kể cả khung pháp lý quốc tế và khu vực) về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và môi trường trên lưu vực;

c) Kiến nghị các giải pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả các chiến lược và quy hoạch (khu vực và quốc gia) về tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan trên lưu vực;

d) Kiến nghị các giải pháp giải quyết tranh chấp, vướng mắc giữa các Bộ, ngành, địa phương và giữa Việt Nam với các quốc gia trong Lưu vực sông Mê Công trong phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên lưu vực;

đ) Kiến nghị các giải pháp ứng phó với các diễn biến bất thường, các tác động tiềm tàng tới Việt Nam do các hoạt động phát triển thượng nguồn và biến đổi khí hậu trên cơ sở giám sát và nghiên cứu trên lưu vực;

e) Kiến nghị về hợp tác Mê Công trên cơ sở kết quả tham gia các Hội nghị của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam sau đây:

a) Triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án theo thẩm quyền cho ý kiến bằng văn bản quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định này;

b) Vận hành các công trình điều tiết, sử dụng nước quy mô lớn, bao gồm cả các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công;

c) Điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt; duy trì dòng chảy tối thiểu;

d) Giám sát, ứng phó, khắc phục tác hại và sự cố ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước gây ra; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước;

[...]
1