Loading


Quyết định 706/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 706/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/05/2015
Ngày có hiệu lực 21/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 706/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU GẠO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 11 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Thương hiệu gạo Việt Nam là một công cụ nhằm tái cấu trúc lại ngành lúa gạo của Việt Nam về sản phẩm, thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả cho sản phẩm gạo. Xây dựng thương hiệu phải gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật, chế biến, bảo quản, đóng gói và phân phối, tiếp thị.

2. Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam là quá trình tạo dựng những giá trị chung của sản phẩm gạo Việt Nam, định vị những giá trị đó trên thị trường, xây dựng và duy trì lòng tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng đối với sản phẩm gạo Việt Nam bằng uy tín của doanh nghiệp, sản phẩm và sự bảo đảm của Nhà nước. Định vị sản phẩm gạo Việt Nam gắn với những lợi thế quốc gia, vùng, địa phương về chất lượng, giá trị, nguồn gốc, lịch sử, văn hóa truyền thống và những giá trị kinh tế - xã hội khác.

3. Thương hiệu gạo Việt Nam được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại nhằm mục tiêu quảng bá, quản lý và bảo vệ sở hữu trí tuệ tại các nước nhập khẩu. Thương hiệu gạo Việt Nam được xây dựng gồm: nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam; chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm gạo của vùng, địa phương; nhãn hiệu cho sản phẩm gạo của doanh nghiệp.

4. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tập trung vào 2 nội dung:

- Lựa chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản cho xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm trên các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, EU...

- Duy trì và giữ vững sự ổn định tại các thị trường truyền thống với các sản phẩm gạo cấp trung bình (gạo trắng, hạt dài), nâng cao giá trị bằng các kênh phân phối trực tiếp, củng cố và duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng.

5. Nhà nước tổ chức và hỗ trợ thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu thương hiệu gạo Việt Nam trong nước và ngoài nước; hỗ trợ bằng chính sách để giúp các tổ chức, cá nhân (doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất...) thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, uy tín và thị phần của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

6. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng, sử dụng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam thông qua xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm gạo để tổ chức, quản trị sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với lịch sử, văn hóa, truyền thống, chất lượng sản phẩm và lợi thế của Việt Nam. Hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu thông qua một chương trình dài hạn, đồng bộ, kết hợp với quảng bá du lịch, ẩm thực, văn hóa nông nghiệp, đất nước và con người Việt Nam;

b) Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia;

c) Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương tại những vùng, địa phương có năng lực sản xuất gạo quy mô lớn, có chất lượng phù hợp yêu cầu của thị trường tiêu thụ và được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ