Loading


Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 893/QĐ-TTg
Ngày ban hành 26/07/2023
Ngày có hiệu lực 26/07/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 893/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ VỀ NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Theo Tờ trình số 4225/TTr-BCT ngày 03 tháng 7 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch năng lượng quốc gia) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Quy hoạch năng lượng quốc gia bao gồm các phân ngành: dầu khí, than, điện, năng lượng mới tái tạo với các nhiệm vụ từ điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, khai thác, sản xuất, tồn trữ, phân phối đến sử dụng các hoạt động khác có liên quan.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Năng lượng đóng vai trò quan trọng và thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển năng lượng phải đi trước một bước để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch năng lượng quốc gia phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

b) Quy hoạch năng lượng quốc gia phải đảm bảo tính kế thừa, khách quan, khoa học và tối ưu tổng thể các yếu tố khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với không gian và lợi thế so sánh của các vùng, địa phương.

c) Quy hoạch năng lượng quốc gia phải mang tính động và mở, thích ứng với bối cảnh, tình hình chuyển dịch năng lượng trên thế giới. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý. Phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.

d) Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển năng lượng bền vững trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường đối với các loại năng lượng, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng năng lượng và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, địa phương.

đ) Phát triển năng lượng bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới, sản phẩm phi năng lượng, gắn với chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng các loại hình năng lượng theo lộ trình và các cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

- Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới.

- Phát triển ngành công nghiệp năng lượng độc lập tự chủ; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo của khu vực.

b) Mục tiêu cụ thể

- Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

+ Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050:

[...]
3