Loading


Thông báo 04/TB-VPCP kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 04/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/01/2024
Ngày có hiệu lực 08/01/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN PHIÊN HỌP TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2024 CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ngày 28 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (sau đây gọi tắt là Phiên họp). Tham dự Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Xây dựng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Sau khi nghe Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai chuyển đổi số quốc gia năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ý kiến phát biểu, tham luận của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thống nhất kết luận như sau:

A. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Năm 2023 được lấy là Năm Dữ liệu số quốc gia, chúng ta đã tạo những nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng cho phát triển cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

I. Kết quả thực hiện

1. Đánh giá quốc tế về chuyển đổi số của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực: (i) Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay (theo WIPO); (ii) Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38 (theo IPU); (iii) Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek). Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

2. Năm Dữ liệu số quốc gia đạt nhiều thành tích quan trọng: Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...) Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VnNeID, tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế. Đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 03 doanh nghiệp viễn thông.

3. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả: Trình Quốc hội thông qua Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân; ban hành 04 nghị quyết, 01 nghị định; 07 Quyết định, 06 Chỉ thị. Đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

4. Triển khai dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp: Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

5. Phát triển hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực: Gần 80% người dân Việt Nam sử dụng Internet. Hiện đã phủ sóng di động tại 2.233/2.853 (chiếm 78%) điểm lõm sóng (620 điểm còn lại sẽ phải hoàn thành trong 2024). Thử nghiệm mạng di động 5G tại hơn 50 tỉnh, thành phố. Các trung tâm dữ liệu tiếp tục được đẩy mạnh xây dựng ở cả khu vực công và tư: Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, giao Bộ Công an thực hiện; 13 doanh nghiệp xây dựng 45 Trung tâm dữ liệu.

6. An ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng, củng cố, tăng cường: Có 65% hệ thống thông tin được xác nhận bảo vệ an toàn thông tin phân loại theo cấp độ. Gần 4,8 nghìn trang web của cơ quan nhà nước được đánh giá và dán nhãn tín nhiệm mạng.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

II. Tồn tại, hạn chế

1. Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm: Hành lang pháp lý về chuyển đổi số còn chậm; chưa đề xuất phương án triển khai thí điểm có kiểm soát (sandbox); chính sách ưu đãi đối với công chức, viên chức chuyên trách về chuyển đổi số... Còn 18 mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia cần nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 29%). Nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa (còn 558 thủ tục hành chính chưa đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết của Chính phủ). Vẫn chưa ban hành được phương pháp đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành lĩnh vực.

2. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao: Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; một số dịch vụ công trực tuyến còn mang tính hình thức (Chỉ tiêu giao năm 2023 là 40%; các bộ, ngành mới đạt 30,24%, địa phương đạt 35,75%). Kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa chưa cao (Chỉ tiêu năm 2023: 100%; các bộ, ngành mới đạt 28,84%, các địa phương mới đạt 37,38%). Tỷ lệ số hóa hồ sơ còn thấp (các bộ, ngành mới đạt 28,84%, địa phương mới đạt 37,38%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa vẫn còn thấp khoảng 9%).

3. Phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Hạ tầng số của nhiều bộ, ngành, địa phương đầu tư thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng trục viễn thông quốc gia phát triển chậm, bằng 1/12 Trung Quốc; 1/4 Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Hiện mới có 3.235/6.786 thôn có cáp quang đến trung tâm thôn; còn 620 điểm lõm sóng di động, trong đó 150 điểm còn chưa đáp ứng điều kiện cơ bản để phổ cập sóng viễn thông.

4. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều hạn chế, bất cập: Còn 35% hệ thống thông tin trên toàn quốc chưa được xác nhận bảo vệ an toàn thông tin theo cấp độ.

5. Nhân lực số vừa thừa vừa thiếu, do đào tạo số lượng lớn, nhưng chưa bảo đảm chất lượng: Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, mới chỉ khoảng 30% sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của công việc.

6. Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nhiều nơi chưa được coi trọng, mang tính hình thức.

III. Bài học kinh nghiệm

1. Sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Nắm chắc tình hình thực tế, có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo điều hành đồng bộ, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

2. Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số quốc gia; được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số quốc gia mang lại; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.

3. Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

4. Luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.

B. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2024

Để phù hợp với thực tế triển khai chuyển đổi số quốc gia và dự thảo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ sẽ ban hành trong đầu tháng 01 năm 2024, với mục tiêu tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 5 năm 2021-2025, Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thống nhất lựa chọn chủ đề năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, từ đó xác định quan điểm chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ trong năm 2024.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ