Loading


Thông báo 107/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn do Văn Phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 107/TB-VPCP
Ngày ban hành 18/03/2020
Ngày có hiệu lực 18/03/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VỀ CÔNG TÁC ỨNG PHÓ VỚI HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN

Ngày 08 tháng 3 năm 2020, tại tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang và Cà Mau.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019-2020; ý kiến của Lãnh đạo các địa phương, các Bộ và ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Mùa khô năm 2019 - 2020, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là ở mức cao nhất trong lịch sử (hơn cả mùa khô năm 2015-2016) đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận định tình hình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo từ rất sớm (từ tháng 9 năm 2019).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng, nhất là các tỉnh ven biển đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống cụ thể, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả phù hợp với thực tế tại địa phương như: chuyển đổi cơ cấu sản xuất (giảm diện tích xuống giống vụ Đông Xuân), điều chỉnh đẩy sớm thời vụ để tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành sớm một số công trình thủy lợi kiểm soát mặn; nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, đào ao, giếng trữ nước; kéo dài đường ống cấp nước từ nhà máy, chở nước ngọt cấp cho trường học, bệnh viện, người dân,...

Cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương đã có những bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức, coi hạn mặn là thực tế cần thích ứng, đã chủ động cùng với chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp thích ứng hiệu quả, phần lớn người dân đã tuân thủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng chuyển đổi sản xuất, điều chỉnh thời vụ sản xuất, tăng cường dự trữ nước ngọt, chung tay xây dựng các công trình ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.

Với những giải pháp chủ động, quyết liệt của các ngành, các địa phương và người dân đã góp phần hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn cho toàn bộ diện tích cây ăn trái; người dân cơ bản được bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt (đến nay diện tích trồng lúa bị thiệt hại chỉ khoảng 1,2% tổng diện tích gieo cấy vụ Đông xuân 2019-2020 trong vùng, bằng 9,6% so với mùa khô năm 2015-2016; khoảng 95.600 hộ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, bằng khoảng 45% so với năm 2016).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành sớm một số công trình thủy lợi, góp phần kiểm soát mặn hiệu quả (theo kế hoạch đến năm 2023, Bến Tre sẽ cơ bản kiểm soát được vấn đề xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất. Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là của chính quyền và người dân các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua kết quả ứng phó với đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt năm nay cho thấy hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó có thể thấy rằng: một vấn đề khó, thậm chí rất khó nhưng nếu Chính phủ, các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung với quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và giành thắng lợi.

II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

1. Về những vấn đề chung: Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long chủ động, tích cực, trách nhiệm tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó để ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là công tác khai báo y tế, nắm chắc từng khu dân cư, từng hộ dân để nếu phát hiện có người bị lây nhiễm cần chủ động khoanh vùng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thực hiện có hiện quả các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 03 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm có được thắng lợi kép: vừa ngăn ngừa thành công dịch bệnh covid-19, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một cách hệ thống, có phương thức thực hiện rõ ràng, nhất là công tác nhân sự để chọn được người đủ đức, tài phục vụ nhân dân. Có lộ trình, bước đi chặt chẽ trước mắt và lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trên cơ sở thực hiện khảo sát cơ bản, đánh giá quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, từ đó xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch trung hạn 5 năm tới ở địa phương sát với thực tế của địa phương, đủ cơ sở khoa học.

2. Về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn:

Theo dự báo, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục xảy ra gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung trong thời gian tới, nguy cơ tiếp tục xảy ra thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong cả vụ Hè Thu năm 2020. Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các giải pháp để giảm thiệt hại cho sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mê Công, nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long để thông tin kịp thời và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

b) Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước trên địa bàn, chủ động cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, trong đó ưu tiên nước uống, nước sinh hoạt cho nhân dân và nước cho chăn nuôi.

c) Các địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn; rà soát, xác định các hộ có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách để kịp thời hỗ trợ; chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi chặt chẽ, tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn lấy nước, tích trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thất thoát nước; đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát biển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

đ) Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, triển khai các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với khu vực nông thôn, vùng ven biển, vùng bán đảo Cà Mau, không để tình trạng bị động, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hàng năm.

e) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm việc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đủ cơ sở pháp lý, đúng quy định của pháp luật (trong đó có Nghị định số 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi).

III. VỀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Đồng ý trích từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng do hạn hán, xâm nhập mặn (trong đó hỗ trợ các tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang mỗi tỉnh 70 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu mỗi tỉnh 60 tỷ đồng) để thực hiện các giải pháp ứng phó cấp bách như: bơm nước; nạo vét kênh mương; đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; chi phí mua thiết bị lọc, trữ nước; chi phí vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, thống nhất nội dung cần hỗ trợ, hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

2. Thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các công trình thủy lợi lớn để kiểm soát mặn, trong đó có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2, công trình chuyển nước liên vùng; xây dựng một số hồ chứa nước ngọt như đề xuất của các địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn; xác định cụ thể vị trí, quy mô công trình, bảo đảm khả thi, hiệu quả, hạn chế tác động đến môi trường, sinh thái.

3. Đồng ý về chủ trương trước mắt chưa thực hiện cổ phần hóa các công ty cấp nước ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đối với các nhà máy nước, công ty lương thực, Nhà nước cần nắm quyền chi phối để chủ động điều tiết thị trường và bảo đảm đời sống nhân dân.

4. Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long để chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đồng thời huy động xã hội hóa để thực hiện.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ