Loading


Thông báo 12/2019/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (Agreement on Port State Measures to Prevent, Deter and Eliminate Illegal, Unreported and Unregulated Fishing do Bộ Ngoại giao ban hành

Số hiệu 12/2019/TB-LPQT
Ngày ban hành 20/03/2019
Ngày có hiệu lực 20/03/2019
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao
Người ký Lê Thị Tuyết Mai
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2019/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2019

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (Agreement on Port State Measures to Prevent, Deter and Eliminate Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) thông qua tại Rô-ma, I-ta-li-a ngày 22 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 02 tháng 02 năm 2019.

Sau đây là nội dung Tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định:

“Theo Điều 31 của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định như sau:

Việt Nam:

1. Nhận thức rõ và cùng chia sẻ quan ngại chung của cộng đồng quốc tế về hệ quả của hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định như đã được thể hiện tại các điều ước quốc tế và các văn kiện được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

2. Ủng hộ việc thực thi đầy đủ và không làm suy yếu các cam kết quốc tế liên quan đến ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định với tư cách thành viên và không phải thành viên. Với việc ban hành Luật Thủy sản năm 2017, và việc tiếp tục xây dựng các văn bản dưới luật, Việt Nam tin tưởng rằng hệ thống cơ sở pháp lý tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc thực thi các quy định tại hiệp định PSMA và các Hiệp định liên quan khác mà Việt Nam là thành viên.

3. Ủng hộ và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế để phòng chống và chặn đứng/xóa bỏ tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Trong đó, các biện pháp hợp tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, các nước đảo nhỏ và các nước kém phát triển cần được chú trọng.

4. Kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật từ FAO, các thành viên của Hiệp định và các tổ chức quốc tế để đảm bảo việc thực thi hiệu quả Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng tại Việt Nam theo Điều 21 của Hiệp định; giúp tăng cường năng lực thực thi đối với ban quản lý cảng cá, thanh tra, kiểm soát tại cảng và cộng đồng ngư dân và xây dựng, vận hành hệ thống thông tin nghề cá.”

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ PHÁP LUẬT VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ




Lê Thị Tuyết Mai

 

1