Loading


Thông báo 179/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghi "Tổng kết Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2016 gắn với tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp; triển khai Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020" do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 179/TB-VPCP
Ngày ban hành 04/04/2017
Ngày có hiệu lực 04/04/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ “TỔNG KẾT KẾ HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG GIAI ĐOẠN 2011-2016 GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÂM NGHIỆP; TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020”

Ngày 17 tháng 3 năm 2017, tại tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghi tổng kết Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2016 gắn với tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp; triển khai Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số tổ chức quốc tế.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Biểu dương và đánh giá cao ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng.

Rừng có vị trí hết sức quan trọng, có tác dụng giữ đất, giữ nước nhằm ổn định đời sống con người, đặc biệt đối với người dân sống trong và gần rừng, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện chủ trương đổi mới mô hình kinh tế theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới là hết sức quan trọng. Trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, trong đó có tái cấu trúc ngành kinh tế Lâm nghiệp, thông qua các nội dung: bảo vệ và phát triển rừng, khai thác có hiệu quả sản phẩm lâm nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng.

Từ năm 2011 đến nay, với sự nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương, ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đó là:

- Cơ chế, chính sách từng bước được bổ sung, hoàn thiện; hợp tác quốc tế ngày càng phát triển.

- Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, bình quân 6,57%/năm giai đoạn 2013-2016 so với 5,03%/năm giai đoạn 2010-2012; xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng gấp hơn 2 lần, từ bình quân 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn từ 2011-2015; năm 2016, đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần, từ 5,16 triệu m3 năm 2011 lên 17,3 triệu m3 năm 2016;

- Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 39,7% năm 2011 lên 41,19% năm 2016; Công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế, trồng rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu được các địa phương tích cực triển khai, cả nước trồng được 1,34 triệu ha rừng tập trung, bình quân gần 223 nghìn ha/năm;

- Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng; hàng năm, cả nước thu được trên 1.200 tỷ đồng, chi trả cho trên 5,0 triệu ha rừng;

- Vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại: Giảm từ 39.165 vụ với 5.546 ha/năm giai đoạn 2006-2010 xuống 26.205 vụ với 2.948 ha/năm giai đoạn 2011-2016.

Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng nhiều loại sản phẩm lâm nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp; chậm đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; phần lớn công ty lâm nghiệp chưa tự chủ kinh doanh, không có nguồn tài chính ổn định, chưa phân định rõ sản xuất kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ công ích; còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ (tỉnh Kon Tum; tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Quảng Nam; huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên); kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế thấp; năng suất rừng trồng thấp, chủ yếu là gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu lâm sản.

Nguyên nhân chủ yếu do: Nhận thức của các cấp chính quyền chưa đầy đủ, nhiều nơi thiếu kiên quyết áp dụng các giải pháp, chế tài ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật. Cơ sở vật chất cho phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, điều tra, thống kê và kiểm kê rừng hạn chế; chỉ đạo trồng rừng thay thế ở nhiều tỉnh chưa thực sự quyết liệt. Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đủ tạo đột phá; việc hướng dẫn và năng lực tổ chức thực hiện chính sách thiếu quyết liệt; nguồn lực thực hiện chính sách không tương xứng. Công tác quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp tại nhiều địa phương còn chưa sát với thực tế, chậm được điều chỉnh và thường xuyên bị phá vỡ; việc lấn chiếm, tranh chấp và cấp chồng lấn đất diễn ra phức tạp. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa bám sát với thực tiễn; thị trường máy móc, vật tư phục vụ cho sản xuất lâm nghiệp bị bỏ ngỏ và phụ thuộc vào nhập khẩu; sự tham gia của doanh nghiệp, liên kết giữa các hộ gia đình, các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đưa nước ta tiếp tục phát triển để trở thành nước công nghiệp phát triển gắn với tái cơ cấu ngành; Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trong đó Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững là 1 trong 21 chương trình mục tiêu để kết nối các chương trình 327, 661 nhằm đạt các mục tiêu: Tăng giá trị rừng, tăng trưởng trực tiếp từ rừng; góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Từ nay đến năm 2030 phải tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ: Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; phát triển và nâng cao năng suất chất lượng rừng; nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 gắn với tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp;

b) Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch. Hoàn thành việc rà soát, đánh giá quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia, xác định rõ lâm phận ổn định; kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý giữa quy hoạch rừng trên bản đồ và trên thực địa. Gắn quy hoạch rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Mỗi vùng, địa phương phải xác định sản phẩm chủ lực, tập trung đầu tư phát triển; gắn tái cơ cấu lâm nghiệp với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa dân tộc; gắn tái cấu trúc lại lâm nghiệp với bố trí lại dân cư.

c) Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác, xử lý kiên quyết các vi phạm pháp luật về đất đai. Chính quyền địa phương chỉ đạo, giám sát thực hiện đầy đủ việc trồng rừng thay thế đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.

d) Đẩy mạnh giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân; đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể; tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp tạo các vùng nguyên liệu thông qua liên kết, liên doanh giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi; khuyến khích hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn làm trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực.

đ) Tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ phát triển, đặc biệt là ban hành, thực thi các sáng kiến tài chính mới tạo nguồn thu, bồi hoàn giá trị của rừng.

e) Phát triển thị trường tiêu thụ lâm sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thương mại và chế biến lâm sản nội địa. Đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn của Việt Nam, phù hợp với quy định, thông lệ của quốc tế. Chủ động hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế.

2. Nhiệm vụ cụ thể của các địa phương và bộ, ngành liên quan

a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Kiện toàn Ban chỉ đạo, Văn phòng Ban chỉ đạo cấp tỉnh trên cơ sở Ban chỉ đạo, thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 để tổ chức quản lý Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, hoàn thành trước 30 tháng 4 năm 2017.

- Xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020; xác định sản phẩm lâm nghiệp chủ lực của địa phương; rà soát, xây dựng và bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước cho các dự án bảo vệ và phát triển rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2017.

[...]
6