Loading


Thông báo 188/TB-VPCP năm 2015 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 188/TB-VPCP
Ngày ban hành 04/06/2015
Ngày có hiệu lực 04/06/2015
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2015

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA

Ngày 30 tháng 5 năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã chủ trì cuộc họp để kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VII. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước. Sau khi nghe Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước và các đại biểu tham dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Quy hoạch điện VII có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Qua 4 năm thực hiện, ngành điện đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, từ chỗ thiếu điện, đến nay không những cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, mà còn có dự phòng. Nhờ vậy, trong các tháng mùa khô năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, nắng nóng kéo dài trên phạm vi cả nước, nhu cầu điện tăng cao, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn có thể cam kết cung cấp đủ điện.

Có được các kết quả trên là nhờ có sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp ngành điện; sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình nguồn và lưới điện; thu hút các nguồn vốn của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư phát triển các công trình nguồn điện.

Tuy vậy, một số dự án nguồn, lưới điện triển khai còn chậm, như các dự án nguồn điện: Sông Hậu 1, Long Phú 1, Thái Bình 2, Vĩnh Tân 4 mở rộng, các dự án đầu tư theo hình thức BOT và các dự án đường dây truyền tải điện,... cần phải có giải pháp thúc đẩy mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện những năm tới.

2. Để bảo đảm cung cấp đủ điện cho kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm 2016-2025 do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII. Ngoài ra, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Thủ tướng cũng đang chỉ đạo xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành than, dầu khí, ngành năng lượng và chiến lược phát triển nguồn năng lược tái tạo,... đây là các cơ sở quan trọng trong việc hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII.

3. Các nội dung quan trọng cần giải quyết trong quá trình phát triển của ngành Điện trong thời gian là:

- Với công suất cần đưa vào hàng năm khoảng 4.000 MW đến 5.000 MW, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm khoảng 6 - 7 tỷ USD. Để đảm bảo thu xếp để nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành điện, cần khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển nguồn điện, nhất nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

- Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện. Thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện và tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào các dự án nguồn điện theo hình thức BOT.

II. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG VÀ CÁC TẬP ĐOÀN

Đồng ý với các đề xuất, kiến nghị của Bộ Công Thương và các Tập đoàn để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án nguồn và lưới điện, cụ thể như sau:

1. Đồng ý giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thay chủ đầu tư dự án BOT Vĩnh Tân 3 (VTEC) thực hiện việc nạo vét vũng quay tàu và luồng hàng hải của cảng than Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để bảo đảm cho tàu trọng tải lớn vào cung cấp than cho dự án Vĩnh Tân 4 từ giữa năm 2017.

2. Đồng ý về nguyên tắc việc bổ sung dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng công suất 360MW vào Quy hoạch điện VII, đưa vào vận hành giai đoạn 2019-2020. Bộ Công Thương chỉ đạo Viện Năng lượng tính toán, cân đối trong đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII.

3. Đồng ý các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam thực hiện bàn giao theo phương thức tăng giảm vốn sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Vũng Áng. Việc thu hồi vốn đầu tư của sân phân phối này sẽ được các Tập đoàn đàm phán, thống nhất trong hợp đồng mua bán điện của Nhà máy điện Vũng Áng 1. Giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các Tập đoàn thực hiện.

4. Đồng ý việc sử dụng kết quả Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII áp dụng cho Đề án Chiến lược phát triển ngành điện nhằm tiết kiệm kinh phí cho Ngân sách nhà nước.

5. Đồng ý Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tạm thanh toán đến 85% giá trị khối lượng công việc xây dựng, lắp đặt, gia công cơ khí trong nước hoàn thành, được nghiệm thu theo định mức, đơn giá trong tổng dự toán, tổng mức đầu tư điều chỉnh được Hội đồng thành viên Tập đoàn thẩm định, nghiệm thu, với điều kiện tổng giá trị thanh toán không vượt giá trị Hợp đồng EPC đã được phê duyệt.

III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Bộ Công Thương

- Đôn đốc các Bộ sớm có ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách thay thế cho Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án nguồn và lưới điện.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán của các dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT: Duyên Hải 2, Vĩnh Tân 3, Vân Phong I, Nam Định, Hải Dương, Vũng Áng II. Phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết để khởi công dự án BOT Vĩnh Tân 1 trong năm 2015.

- Chỉ đạo đơn vị Tư vấn khẩn trương hoàn thành nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, Tập đoàn và ý kiến phản biện của các chuyên gia để hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII; trong đó có một số nội dung như sau:

+ Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thực hiện chi tiết, cụ thể cân bằng công suất - điện năng giai đoạn 2017 - 2020. Trường hợp xuất hiện khả năng thiếu điện, đề xuất các giải pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

+ Giai đoạn sau năm 2020, thực hiện cân đối từng vùng, miền để lựa chọn phương án hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu tại chỗ trường hợp sự cố các đường dây liên kết. Các công trình liên kết 500 kV giữa các miền có vai trò hỗ trợ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, bảo đảm huy động thuận lợi các nguồn điện trong mùa mưa, mùa khô và huy động các nguồn điện trong mọi chế độ vận hành của thị trường điện.

+ Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để cân đối tiến độ và quy mô các nguồn điện phù hợp với khả năng cung cấp khí từ các mỏ khí; bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả các công trình nguồn điện và nguồn khí:

. Đối với nguồn khí từ mỏ Sư Tử Trắng: Trên cơ sở ưu tiên cấp đủ khí cho các nhà máy điện hiện có tại Phú Mỹ, Nhơn Trạch và công suất của đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn - Phú Mỹ, nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng nguồn khí hiệu quả nhất cho phát điện (nhà máy điện Hiệp Phước, Nhơn Trạch 3,...).

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ