Loading


Thông báo 204/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn và vận hành xả lũ tại Thủy điện Hòa Bình; kiểm tra an toàn đê điều tại Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 204/TB-VPCP
Ngày ban hành 27/07/2021
Ngày có hiệu lực 27/07/2021
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ VĂN THÀNH TẠI BUỔI KIỂM TRA CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN VÀ VẬN HÀNH XẢ LŨ THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH; KIỂM TRA AN TOÀN ĐÊ ĐIỀU TẠI HÀ NỘI

Ngày 21 tháng 7 năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nn - dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn và vận hành xả lũ tại Thủy điện Hòa Bình và công tác đảm bảo an toàn đê điều tại Hà Nội nhằm nắm tình hình, đánh giá công tác chuẩn bị, khả năng sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa bão trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn phòng Chính phủ; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình (tại Nhà máy Thủy điện), Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (tại Đập Đáy); Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Hòa Bình.

Đoàn đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn và vận hành xả lũ của Thủy điện Hòa Bình (kiểm tra tại đỉnh đập và hầm nhà máy); làm việc với một số bộ, ngành, tỉnh Hoà Bình và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình hình và công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước cũng như việc triển khai dự án mở rộng nhà máy; kiểm tra công trình phân lũ Đập Đáy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.

Sau khi nghe các báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương liên quan tại cuộc họp và trên hiện trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận như sau:

Việc thường xuyên chủ động kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ, đập, có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trước mùa mưa bão, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Thông qua công tác kiểm tra, rà soát để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án tu bổ, nâng cấp đê điều, hồ đập đang được triển khai thực hiện, đồng thời phát hiện những điểm xung yếu để tổ chức bảo vệ, những điểm còn chưa hợp lý trong quản lý, vận hành để chủ động khắc phục nhằm đảm bảo an toàn, giảm nguy cơ xảy ra sự cố trong thiên tai.

I. Về công tác phòng chống thiên tai và vận hành xả lũ tại Thủy điện Hòa Bình

Ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Hòa Bình và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phối hợp nhịp nhàng, khoa học, bài bản và kịp thời trong vận hành công trình Thủy điện Hòa Bình bảo đảm an toàn, mang lại hiệu quả cao trên cả ba nhiệm vụ: thực hiện tốt vai trò là nguồn cung cấp điện quan trọng cho quốc gia, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân; điều tiết cắt, giảm lũ, bảo đảm an toàn cho vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, tình hình mưa lũ diễn biến rất phức tạp, bất thường, công tác phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn hồ đập trên cả nước, nhất là hệ thống hồ đập trên bậc thang thủy điện sông Đà là hết sức quan trọng. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn cho công trình, cho hạ du, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân; đồng thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho phát điện, phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Do đó, đòi hỏi sự phối hợp chủ động, chặt chẽ, khoa học của các bộ, ngành, các đơn vị quản lý và địa phương trong vận hành hồ, đập; luôn chủ động ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.

Đthực hiện mục tiêu trên, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Thủy điện Hòa Bình tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Thực hiện thật nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn hồ đập. Theo dõi chặt chẽ, dự báo chính xác, cảnh báo sớm, kịp thời tình hình mưa, lũ và rủi ro thiên tai để tổ chức vận hành an toàn tuyệt đối và hiệu quả các hồ thủy điện, thủy lợi, trong đó có thủy điện Hòa Bình.

2. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống, bảo dưỡng các thiết bị công trình liên quan đến vận hành để chủ động vận hành khi có mưa lũ xảy ra.

3. Rà soát, hoàn thiện, diễn tập thường xuyên các kịch bản vận hành hồ chứa khi xảy ra lũ lớn. Khi vận hành xả lũ hoặc điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp, cần tính toán kỹ lưỡng thời điểm, lưu lượng xả để bảo đảm an toàn hồ đập, đồng thời bảo đảm hiệu quả sử dụng nước và phải thông báo, cảnh báo kịp thời cho chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ du để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của nhân dân.

4. Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị quản lý, vận hành hồ phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thống nhất kịch bản chung, phân công rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.

Ưu tiên đầu tư cho công tác kiểm định an toàn đập; duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa, nâng cấp các hồ đập có nguy cơ mất an toàn, không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lũ.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu rà soát để kịp thời điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa để việc vận hành hồ được an toàn, hiệu quả hơn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, bổ sung trang thiết bị quan trắc, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

6. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện sớm hoàn thành đầu tư hệ thống trạm đo mưa khu vực lòng hồ theo quy định để nâng cao hiệu quả vận hành hồ.

7. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Hòa Bình tập trung triển khai thi công dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (bao gồm hai tmáy, mỗi tổ công suất 240 MW), bo đảm an toàn, tiến độ và chất lượng. Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

II. Về công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê của Thành phố Hà Nội

Là một trong nhng địa phương có hệ thống đê lớn nhất cả nước, hệ thống đê điều của Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống lũ lụt, bảo vệ Thủ đô. Trong nhiều năm qua, hệ thống đê của Hà Nội, trong đó có tuyến đê sông Hồng không được thử thách qua các trận lũ lớn, do đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố khi lũ lớn.

Yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên kiểm tra, kịp thời tu bổ, gia cố, nâng cấp hệ thống đê điều (trong đó có các đập, cống lớn trong hệ thống), nhất là tuyến đê cấp đặc biệt, các trọng điểm xung yếu, chun bị tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có lũ lớn xảy ra. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn hệ thống đê điều theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xung yếu đang triển khai đầu tư, đồng thời rà soát các trọng điểm xung yếu chưa được gia cố, tu bổ, chủ động xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa lũ theo quy định, sẵn sàng vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động bảo vệ, tránh xảy ra sự cố mất an toàn.

Tiếp tục bổ sung, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao năng lực giám sát, dự báo thiên tai, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai. Chủ động sử dụng ngân sách của địa phương để đầu tư nâng cấp, củng cố hệ thống đê điều trên địa bàn, từng bước xử lý dứt điểm các trọng điểm xung yếu trên toàn hệ thống đê.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: NNPTNT, CT, TNMT;
- BCĐ TƯ về phòng chống thiên tai
;
- UBQG ng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- UBND Thành phố Hà Nội, t
nh Hòa Bình;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cty Thủy điện HB;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, Tr
lý, Thư ký PTTg Lê Văn Thành; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, NN (02). NXT

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ