Loading


Thông báo 206/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 206/TB-VPCP
Ngày ban hành 15/06/2020
Ngày có hiệu lực 15/06/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 206/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BẮC GIANG

Ngày 06 tháng 6 năm 2020, tại thành phố Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015 - 2020 và một số đề xuất, kiến nghị. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải.

Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, phát biểu của lãnh đạo các Bộ, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã thực hiện xuất sắc “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt, chủ động, với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phòng, chống dịch COVID-19; vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Từ một tỉnh khó khăn, đến nay quy mô kinh tế của Bắc Giang đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 16,2% và dự kiến bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 14,6%; GRDP bình quân/người được rút ngắn so với cả nước (dự kiến đến hết năm 2020, đạt 3.000 USD, bằng bình quân chung cả nước); cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng phát triển công nghiệp. Thu ngân sách tăng bình quân 18,3% (năm 2019 đạt mức cao nhất trên 12 nghìn tỷ đồng). Thu hút đầu tư tăng mạnh, từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được trên 5,8 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,5 lần cả giai đoạn 2011 - 2015 (riêng vốn FDI đạt 3,8 tỷ USD, gấp 4,3 lần). Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện; Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với hàng trăm mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Đặc biệt, Tỉnh duy trì vùng trồng cây ăn quả Lục Ngạn là một trong những vùng có quy mô lớn nhất cả nước; sở hữu tổng đàn lợn lớn thứ 4 (trên 1,25 triệu con) và đàn gà đứng thứ 3 toàn quốc (15,7 triệu con). Diện mạo đô thị, nông thôn khang trang, hết năm 2020, toàn tỉnh có 124/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,5% tổng số xã trong tỉnh; có 03 huyện Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước kế hoạch. Ngành du lịch phát triển đúng hướng, gắn với lợi thế của địa phương; lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh (năm 2019 là năm cao nhất, đón khoảng 2 triệu khách, vượt mục tiêu đề ra).

Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 nhưng nhờ triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các giải pháp, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng đạt 7,4% trong quý I năm 2020 (cao hơn nhiều tỉnh, thành). Sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng trở lại, đạt hơn 92,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và đạt 33,6% kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp bảo đảm tiến độ, phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng thu nội địa 5 tháng vẫn đạt hơn 3,54 nghìn tỷ đồng (chỉ giảm 5% so với cùng kỳ), đạt 40% dự toán; Giải ngân vốn đầu tư đạt 27,4% kế hoạch (cao hơn mức của cả nước). Thu hút đầu tư 5 tháng được hơn 625 triệu USD, tăng 30% và có 389 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 3,6 nghìn tỷ đồng. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa thể thao được quan tâm đẩy mạnh; đời sống nhân dân và các vấn đề lao động, việc làm được giải quyết kịp thời. Tỉnh đã tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19; cho đến nay chưa để phát sinh trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh được thực hiện hiệu quả. Làm tốt công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng từ cơ sở. Quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, đấu tranh phòng chống tội phạm được triển khai quyết liệt. Quan hệ đối ngoại được tăng cường, tích cực mở rộng hợp tác phát triển du lịch và xúc tiến đầu tư.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích rất đáng trân trọng, ấn tượng nhưng Bắc Giang cần nỗ lực, phấn đấu làm tốt hơn, hiệu quả hơn để nhanh chóng khắc phục một số tồn tại: tăng trưởng kinh tế đạt khá cao nhưng chưa bền vững và phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài; các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Hạ tầng kinh tế - xã hội dù đã có cải thiện đáng kể, song nhìn chung vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, chế biến nông sản, dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chưa có nhiều mô hình tổ chức sản xuất tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Thu ngân sách đạt khá nhưng đến nay vẫn chưa tự cân đối được chi thường xuyên và phải nhận hỗ trợ từ Trung ương. Đào tạo nghề chưa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa đạt yêu cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. Xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn hạn chế.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng thể đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Bắc Giang, đồng thời đề nghị Tỉnh lưu ý tập trung thực hiện một số nội dung nhiệm vụ trong thời gian tới, như sau:

1. Tập trung cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống hiệu quả bệnh dịch Covid-19, trong đó tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 của Tỉnh.

2. Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương để lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp, chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu và có tầm nhìn dài hạn. Xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, xây dựng các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, nhất là hạ tầng kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính. Chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về đất đai, mặt bằng với hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tiềm năng.

3. Phát triển nhanh công nghiệp, xây dựng. Lấy công nghiệp làm trụ cột động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác. Phát huy lợi thế về nguồn nhân lực lao động dồi dào, đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng; có cơ chế chính sách tăng cường bồi dưỡng, đào tạo dạy nghề, năng lực quản trị để kịp thời đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, nắm bắt cơ hội chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài sang Việt Nam.

4. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện nông thôn. Rà soát, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch chiến lược phát triển nông nghiệp tích hợp trong Quy hoạch tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa bố trí dân cư nông thôn và quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Tập trung phát triển nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

5. Phát triển đa dạng, linh hoạt các ngành dịch vụ chất lượng cao cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp tham gia cung cấp, kinh doanh dịch vụ. Tiến hành quy hoạch và tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, du lịch, vận tải, kho bãi, tài chính, ngân hàng, viễn thông đồng bộ, hiện đại. Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ quá trình phát triển gồm tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, bưu chính, viễn thông, giáo dục đào tạo, y tế, bảo hiểm...

6. Quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững; bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường tự nhiên với môi trường xã hội ở các khu công nghiệp, đô thị, dân cư.

7. Xây dựng các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm trung tâm dẫn dắt sự phát triển của các tiểu vùng. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, đổi mới phương pháp quản lý phát triển đô thị. Xây dựng các cơ chế để huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng đô thị; đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân tại các khu công nghiệp.

8. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hạ tầng kinh tế số; thực hiện quyết liệt hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điện, nước... tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

9. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi gắn với đẩy mạnh xã hội hóa. Có chính sách để phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm là chính sách giảm nghèo, khuyến khích đồng bào dân tộc vươn lên làm giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

10. Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đi đôi với tiếp tục làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị phê duyệt bổ sung Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Yên Sơn - Bắc Lũng (diện tích 662ha) và Khu công nghiệp- đô thị - dịch vụ Yên Lư (diện tích 718ha) vào Quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020; đồng thời phê duyệt điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất công nghiệp và chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa

- Đồng ý về nguyên tắc việc bổ sung quy hoạch 02 khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang để sớm triển khai thực hiện đầu tư, tranh thủ thời cơ, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn chuyển dịch vào Việt Nam.

- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương thống nhất phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã được phân bổ để kịp thời đáp ứng yêu cầu, điều kiện triển khai dự án đầu tư nhằm tranh thủ, tận dụng cơ hội phát triển kinh tế của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2020.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì thẩm định Đề án bổ sung quy hoạch 02 khu công nghiệp nêu trên theo quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2020.

2. Về bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (gồm xây dựng đường dây 220kV và trạm biến áp 220kV Yên Dũng):

[...]
1