Loading


Thông báo 261/TB-VPCP năm 2022 kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện tại Phiên họp lần thứ nhất do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 261/TB-VPCP
Ngày ban hành 23/08/2022
Ngày có hiệu lực 23/08/2022
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 261/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT

Chiều ngày 06 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo và trực tuyến với các địa phương: Hà Giang, Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hòa, Sóc Trăng. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các thành viên của Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo. Tại các điểm cầu ở các địa phương có đại diện lãnh đạo địa phương và sở, ngành liên quan.

Sau khi nghe Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo báo cáo về tình hình triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chiến lược), ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu tham dự cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất chỉ đạo các nội dung sau:

I. Hoan nghênh, đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chuẩn bị tốt tài liệu của Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo, trong đó đã đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Các ý kiến tại Phiên họp cơ bản tán thành với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và có góp ý bổ sung.

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, rà soát các cơ chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo.

II. Về việc triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với các nhận định, đánh giá kết quả triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới nêu tại báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:

1. Một số kết quả đạt được

a) Khuôn khổ pháp lý liên quan đến tài chính toàn diện đã từng bước được hoàn thiện;

b) Mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính phát triển rộng khắp các địa bàn trên cả nước, đặc biệt là các kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng hiện đại như điện thoại di động, internet.

c) Các sản phẩm, dịch vụ tài chính được phát triển đa dạng, hiện đại, an toàn, thuận lợi hơn với chi phí hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nhờ ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ sở hạ tầng thanh toán tiếp tục được đầu tư hoàn thiện.

d) Tích cực triển khai công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện và giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết tài chính cho người dân; cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính tiếp tục được hoàn thiện.

đ) Một số giải pháp quan trọng để tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được các bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực phối hợp và thực hiện như: đã ban hành quy định cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

2. Một số khó khăn, thách thức, yêu cầu đặt ra

a) Mạng lưới cung ứng dịch vụ còn chưa đồng bộ, cần hoàn thiện, sắp xếp hợp lý và mở rộng độ bao phủ hơn nữa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn.

b) Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, bên cạnh sự thuận lợi, thì thách thức đi cùng là đảm bảo an toàn. Khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là an toàn, an ninh mạng cần được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại có nhiều ưu điểm nhưng cần phù hợp với người dùng, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa để dễ tiếp cận và dễ sử dụng. Hạ tầng, nhất là hạ tầng số cần tiếp tục hoàn thiện.

c) Người dân cần được tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan về tài chính toàn diện với cách thức phù hợp, hiệu quả, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát, đặc biệt là cải thiện được hiểu biết, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính, làm cho người dân thấy được sự tiện ích, lợi ích của các dịch vụ, công nghệ mới. Có cách tuyên truyền, sử dụng sản phẩm, dịch vụ phù hợp cho những người yếu thế.

d) Chiến lược đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu và giải pháp cụ thể, nhưng thực tiễn có những thay đổi nhanh nên cần thường xuyên rà soát, cập nhật để có các điều chỉnh cho phù hợp, quyết tâm làm thật tốt để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời phát huy được tối đa sự tham gia đóng góp của người dân, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường.

III. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới

Để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19 và phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo xác định việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, cần phải đổi mới tư duy, phương pháp luận và có cách tiếp cận toàn diện hơn, lấy người dân là trung tâm, việc xây dựng chính sách đều hướng tới người dân. Người dân vừa là đối tượng, vừa là chủ thể triển khai thực hiện các giải pháp của Chiến lược.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các bộ, cơ quan, địa phương cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược, định kỳ báo cáo, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược theo quy định. Trong đó lưu ý:

1. Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo chủ động thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ đạo bộ, ngành mình tích cực, sáng tạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược. Bố trí nguồn lực và kinh phí phù hợp để ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, gia tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, nhất là sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp. Phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong Ban Chỉ đạo, gắn bó, sâu sát với công việc để tạo ra sức mạnh tập thể, trí tuệ tập thể nhằm thực hiện các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

2. Các bộ, cơ quan, địa phương

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo: là đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ của Chiến lược; tập trung hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng; củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với gia tăng năng lực quản lý giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm dịch vụ, các kênh cung ứng dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng các giải pháp công nghệ số để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng đầy đủ và phù hợp các nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; làm tốt công tác truyền thông, định hướng để tạo ra động lực, phong trào lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, toàn xã hội, trong đó chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên nhằm sớm tiếp cận, hình thành tư duy quản lý tài chính; tích cực học hỏi kinh nghiệm các quốc gia, tham gia các khuôn khổ hợp tác, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện nhằm tăng cường hội nhập quốc tế về tài chính toàn diện, tiếp cận hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong triển khai Chiến lược.

b) Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến các doanh nghiệp sử dụng nền tảng số.

c) Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn triển khai chính sách mới về bảo hiểm vi mô; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tính chất cho vay và bảo lãnh tín dụng; phổ biến kiến thức, chính sách có liên quan đến tài chính, ý thức tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thu, nộp thuế, phí, lệ phí...

d) Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các quy định về chia sẻ thông tin, kết nối, làm cơ sở quan trọng, nền tảng cho các bộ ngành khác khai thác, sử dụng.

[...]
2