Loading


Thông báo 271/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại chuyến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 271/TB-VPCP
Ngày ban hành 16/07/2014
Ngày có hiệu lực 16/07/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Hữu Vũ
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 271/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CHUYẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN CẤP THOÁT NƯỚC - MÔI TRƯỜNG BÌNH DƯƠNG NGÀY 04 THÁNG 7 NĂM 2014

Ngày 04 tháng 7 năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thăm và kiểm tra các dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương và dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương. Tham dự đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Sau khi nghe đại diện Chủ đầu tư báo cáo tình hình xử lý rác thải, nước thải, công nghệ áp dụng tại các dự án và ý kiến của các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:

1. Trong quá trình đô thị hóa, việc xử lý rác thải, nước thải bảo vệ môi trường là một vấn đề hàng đầu cần phải quan tâm giải quyết. Hiện nay, lượng xả chất thải rắn trên toàn quốc tăng nhanh cả ở đô thị và khu vực nông thôn. Thời gian qua các khâu lập quy hoạch, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến việc thu xếp nguồn vốn và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án xử lý rác thải, nước thải đã được quan tâm hơn. Việc quy hoạch, đầu tư mạng lưới nhà máy với mô hình và quy mô thích hợp với từng vùng miền, khu vực để xử lý cần được đầu tư xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải đô thị của cả nước mới đạt 83%, trong đó chỉ 5 - 6% được xử lý là rất thấp, còn lại là chôn lấp; cả nước hiện có 450 bãi chôn lấp rác thải, trong đó chỉ 26% đảm bảo hợp vệ sinh, nên vẫn có hiện tượng thẩm thấu vào hệ thống nước ngầm. Đối với khu vực nông thôn, hiện mới thu gom, chưa được đầu tư xử lý, tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ thống nước ngầm. Đã có nhiều mô hình xử lý chất thải rắn được đầu tư xây dựng, vận hành, nhưng vẫn chưa được đánh giá tổng thể để lựa chọn được mô hình tối ưu, nên vẫn còn lúng túng.

Các dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương và dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương sử dụng vốn ODA của Nhật Bản do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương làm chủ đầu tư có quy mô công suất 1.000 tấn/ngày, có mô hình xử lý rác và nước rỉ rác đồng bộ, hợp lý, cần được tổng kết, đánh giá để làm cơ sở nhân rộng. Việc thực hiện cổ phần hóa đơn vị này nhằm xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải và nước thải là hướng đi đúng cần khẩn trương triển khai thực hiện.

2. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, nước thải cũng như hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng các khu liên hợp, cơ sở xử lý chất thải rắn, yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Bộ Xây dựng:

- Trên cơ sở các mô hình đã triển khai tại tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, khẩn trương lựa chọn mô hình phù hợp và hướng dẫn các địa phương triển khai đầu tư xây dựng các khu liên hợp, cơ sở xử lý chất thải rắn cho các cụm huyện, xã; rà soát, ban hành theo thẩm quyền các quy định về xử lý nước rỉ rác tại các khu liên hợp, cơ sở xử lý chất thải rắn.

- Khẩn trương trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về Quản lý chất thải rắn, theo hướng yêu cầu người xả thải gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý môi trường.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng rà soát, đề xuất mức phí bảo vệ môi trường đối với trường hợp cơ sở xử lý nước thải xả nước thải đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn loại A, theo hướng khuyến khích các cơ sở đầu tư công nghệ xử lý nước thải đạt chất lượng tốt.

c) Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương:

- Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn, thông qua cổ phần hóa các nhà máy hiện có, thu hút nguồn vốn đầu tư từ xã hội.

- Chỉ đạo thực hiện thí điểm việc phân loại rác từ nguồn, tạo thói quen của người dân, nâng cao nếp sống văn minh đô thị, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở xử lý chất thải rắn.

- Có phương án điều tiết, phân phối hợp lý khối lượng chất thải rắn thu gom phù hợp với quy mô, công suất thiết kế cho các khu xử lý chất thải rắn của trên địa bàn theo hướng chỉ các cơ sở có quy trình công nghệ xử lý bảo đảm theo quy định mới được nhận xử lý rác thải độc hại.

- Hỗ trợ và chỉ đạo Công ty cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương thực hiện các thủ tục để được tiếp tục sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản cho giai đoạn tiếp theo của dự án bảo đảm hiệu quả.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- TTg CP, PTTg Hoàng Trung Hải;
- Các Bộ: XD, TNMT, TC, KHĐT, KHCN, NNPTNT;
- UBND tỉnh Bình Dương;
- Cty Cấp thoát nước-Môi trường Bình Dương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, KGVX,QHQT, KTTH;
- Lưu: VT, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ