Loading


Thông báo 272/TB-VPCP năm 2016 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình quản lý, hoạt động các khu kinh tế, khu công nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 272/TB-VPCP
Ngày ban hành 05/09/2016
Ngày có hiệu lực 05/09/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 272/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2016

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG VỀ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG CÁC KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP

Ngày 17 tháng 8 năm 2016 tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình quản lý, hoạt động các khu kinh tế, khu công nghiệp. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:

1. Trong năm 2016, tình hình hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục phát huy hiệu quả và vai trò động lực ngày càng quan trọng trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước và tạo thêm việc làm mới. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế và tỷ lệ số lượng các khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường trên tổng số khu công nghiệp đang hoạt động trên cả nước đạt cao hơn cùng kỳ năm 2015. Hệ thống pháp luật, chính sách về khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngày càng được hoàn thiện và làm cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển và khai thác lợi thế của mô hình này. Công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp được tăng cường và đi vào nề nếp. Công tác quy hoạch, thành lập các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quản lý chặt chẽ hơn.

2. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là chất lượng công tác quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp chưa cao và chưa có nhiều tính gắn kết với phát triển đô thị, nhà ở và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội. Một số khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có chất lượng hạ tầng kỹ thuật còn thấp, còn thiếu các công trình dịch vụ tiện ích công cộng, chưa gắn với quy hoạch các khu dịch vụ hậu cần công nghiệp, chưa đảm bảo các yếu tố cảnh quan, cây xanh và yêu cầu bảo vệ môi trường nên làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Chưa có mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp đặc thù, có tính cạnh tranh cao. vốn đầu tư cho phát triển các công trình kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là khu kinh tế cửa khẩu còn thiếu và phân bổ dàn trải nên làm giảm hiệu quả đầu tư. Năng lực quản lý của các chủ thể liên quan như Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phát triển nhà ở xã hội và các công trình phúc lợi về giáo dục, văn hóa, thể thao, xã hội, y tế... cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ, dẫn đến đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp chưa được cải thiện rõ rệt.

Cơ chế, chính sách liên quan tới khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa được bổ sung và điều chỉnh kịp thời. Do vậy, cần phải được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp đảm bảo có quy hoạch cho xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng; gắn phát triển khu công nghiệp với phát triển đô thị, thương mại, khu hậu cần công nghiệp; tăng cường quản lý, giám sát tiến độ xây dựng, bảo vệ môi trường.

3. Để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008, số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 và số 114/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng nghiên cứu bổ sung quy định liên quan tới một số mô hình mới như: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

- Hướng dẫn thi hành Điều 24 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị nội dung và chương trình Hội nghị về khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang cập nhật tình hình triển khai các công trình kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tại các khu vực đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Ban cán sự Đảng Chính phủ.

- Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo về Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp.

b) Bộ Công Thương:

- Tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký, ban hành;

- Nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo hướng tiếp tục quy định Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép kinh doanh.

c) Bộ Tài chính:

- Khẩn trương nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư các công trình phúc lợi về giáo dục, văn hóa, thể thao, xã hội và y tế cho các đối tượng quy định tại Điều 49 Luật nhà ở.

d) Bộ Xây dựng:

- Chỉ đạo rà soát điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế, khu công nghệ cao, quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với việc phát triển đô thị và nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân.

- Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nghiên cứu cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của các địa phương có khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

- Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hướng ủy quyền cho Ban quản lý khu kinh tế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy định tại khoản 15, Điều 1, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

e) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

[...]
2