Loading


Thông báo 319/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 319/TB-VPCP
Ngày ban hành 05/10/2022
Ngày có hiệu lực 05/10/2022
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 319/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ SƠ KẾT 05 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2017/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2017 QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Sáng ngày 12 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Công Thương, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân; đại diện lãnh đạo các Tổng công ty: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công an và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:

1. Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tham mưu tổ chức thành công Hội nghị; báo cáo đầy đủ, toàn diện về tình hình, kết quả đạt được, đặc biệt là những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc, chỉ ra nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Xác định đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì công tác PCCC và CNCH càng cần được đề cao, quan tâm, đầu tư nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn cho người dân và toàn xã hội ở mức cao nhất, hạn chế thấp nhất hậu quả, thiệt hại. Vì vậy, cần nhận thức đúng về vai trò quan trọng của công tác PCCC và CNCH trong giai đoạn hiện nay để có chủ trương, chính sách đúng, kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.

2. Thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, công tác PCCC và CNCH đã đạt một số kết quả quan trọng, như:

- Tham mưu ban hành và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về PCCC và CNCH, đặc biệt là Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 630/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; số 1492/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW...

- Công tác phòng ngừa cháy, nổ, sự cố, tai nạn được từng bước tăng cường; xây dựng, nhân rộng được 3.964 mô hình điểm về PCCC và CNCH với phương châm “Bốn tại chỗ”; xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức diễn tập, hiệp đồng giữa các lực lượng để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường, góp phần đưa việc thực hiện pháp luật về PCCC và CNCH đi vào nề nếp, thường xuyên, liên tục hơn.

- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH được tổ chức với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác nhau.

- Lực lượng PCCC và CNCH được kiện toàn với 80.559 đội dân phòng trên tổng số 103.568 thôn (đạt tỷ lệ 77,7%); 325.087 đội PCCC cơ sở trên 340.945 cơ sở thuộc diện phải thành lập (bằng 95,35%); 460 đội PCCC chuyên ngành với 8.540 đội viên. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH được kiện toàn về tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, bám địa bàn, bám cơ sở, bám người dân hơn.

- Lực lượng Công an nói chung, trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác CNCH. Trong 05 năm qua, đã điều động 235.208 lượt cán bộ, chiến sĩ với 30.435 lượt phương tiện tham gia tổ chức CNCH 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn. Qua đó, đã hạn chế được thiệt hại, cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người, bảo vệ được tài sản của Nhà nước và Nhân dân ước tính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Huy động được người dân, các tổ chức có liên quan vào công tác PCCC và CNCH; đã xây dựng được 14.413 đơn vị, cá nhân điển hình tiên tiến về PCCC và CNCH.

- Trong quá trình tổ chức chữa cháy, CNCH, với tinh thần xung phong không ngại hiểm nguy, luôn sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành nhiệm vụ cứu người bị nạn và dập tắt đám cháy, đã có 08 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH hy sinh và nhiều đồng chí bị thương. Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và CNCH. Đặc biệt, trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự xả thân, hy sinh, quên mình của lực lượng Công an nhân dân nói chung, các lực lượng tham gia nhiệm vụ PCCC và CNCH, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng đã nỗ lực, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh để thực hiện nhiệm vụ cao cả, vì sự bình yên của cuộc sống, vì tính mạng của Nhân dân, sự phát triển của đất nước.

3. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, khách quan thì công tác PCCC và CNCH còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, cần khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới:

- Trong 05 năm qua đã có 440 người chết và hàng nghìn người bị thương; trên 60% số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra ở đô thị; 45,8% có nguyên nhân liên quan đến điện; các vụ cháy gây thiệt hại lớn thường tập trung ở khu đô thị, khu công nghiệp, chợ, quán karaoke, quán bar, vũ trường, trong khi đó mới chỉ dành 9.668,9 tỷ đồng đầu tư cho công tác PCCC và CNCH.

- Ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và người dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC; nhiều người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thậm chí cố ý vi phạm quy định PCCC. Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng chây ỳ, vi phạm kéo dài. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa nghiêm túc, thậm chí buông lỏng.

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến PCCC và CNCH chưa thực sự toàn diện, đồng bộ, xuyên suốt. Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP. Điều này thể hiện sự thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong công tác PCCC và CNCH. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê bình và yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể để chấn chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả công tác này.

Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu do chủ quan: Công tác quản lý nhà nước nhiều nơi bị buông lỏng, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật PCCC còn nhiều nơi chưa nghiêm, chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe, còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Hạ tầng PCCC chưa được đầu tư tương xứng, chưa theo kịp sự phát triển của tình hình kinh tế - xã hội; công tác quy hoạch chưa coi trọng yêu cầu PCCC, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thường chuyển đổi từ nhà ở nên khó đảm bảo điều kiện PCCC; việc đầu tư các trang thiết bị chữa cháy tự động chưa phổ biến, hiệu quả chưa cao khi xảy ra cháy, chưa phát huy tốt phương châm “Bốn tại chỗ”. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kỹ năng PCCC còn hạn chế nên ý thức PCCC của người dân chưa cao.

Những nguyên nhân trên khiến thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn ra phức tạp, khó lường, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, karaoke, vũ trường... Nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng rất thương tâm, đau lòng, làm thiệt hại tính mạng, sức khỏe, vật chất, tinh thần người dân. Đây là cảnh báo và cho thấy tình hình khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cả về tư duy, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng con người.

4. Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các khu dân cư, nhà dân vừa để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở tập trung đông người, hạ tầng cơ sở cũ không thể khắc phục ngay do nguồn lực rất lớn, cần thời gian nghiên cứu quy hoạch chuyển đổi... Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường hơn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Về nhận thức: Nguy cơ, hậu quả cháy, nổ rất nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, vũ trường, quán bar, karaoke... Đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng, lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH. Đề cao ý thức của người dân trong công tác PCCC và CNCH là hết sức quan trọng.

b) Về quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể chính trong phòng chống cháy, nổ và CNCH; sự an toàn, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. An toàn cháy, nổ góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Phòng ngừa cháy, nổ là cơ bản, chiến lược, quyết định; khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn thì chữa cháy, CNCH kịp thời, hiệu quả.

c) Về mục tiêu: Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hậu quả chết người và hậu quả nghiêm trọng do yếu tố chủ quan. Nâng cao hơn nữa ý thức, kỹ năng của người dân trong phòng, chống cháy, nổ và CNCH.

d) Về giải pháp:

- Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW và Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư, các văn bản có liên quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân và trực tiếp phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trong phạm vi lãnh đạo quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, chưa hoặc chậm thực hiện các nhiệm vụ tại các Quyết định số 630/QĐ-TTg và số 1492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải khẩn trương tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm yêu cầu, tiến độ.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC và CNCH; Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá sự cần thiết và tính khả thi, cấp bách của việc sửa đổi Luật PCCC để bổ sung quy định về công tác CNCH theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình về PCCC và CNCH phù hợp với tình hình phát triển của kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật, nhất là kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH và tự bảo vệ mình. Phát huy vai trò của người dân trong việc tự bảo vệ cho chính mình, từ bảo vệ cho chính mình thì mới tham gia bảo vệ được cộng đồng, với tinh thần mình vì mọi người và mọi người vì mình.

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Trước mắt, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về an toàn PCCC và CNCH, tập trung vào các cơ sở đông người, khu vực nguy cơ cao về cháy, nổ như: Chung cư, nhà cao tầng, khu công nghiệp, chợ, nhà kho, quán karaoke, vũ trường, quán bar... Xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào sử dụng, hoạt động không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH. Việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm minh, không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong giám sát, kiểm tra.

- Kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư, cơ sở theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Tăng cường công tác tập huấn, phương án chữa cháy, CNCH. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH. Các bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, hậu cần cho công tác PCCC và CNCH.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ