Loading


Thông báo 402/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 402/TB-VPCP
Ngày ban hành 03/10/2023
Ngày có hiệu lực 03/10/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 402/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN PHẠM VI TOÀN QUỐC VỀ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Ngày 14 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Văn hóa, thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Ngân hàng thương mại nhà nước; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước tham dự trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

1. Thường trực Chính phủ trân trọng cảm ơn, đánh giá cao các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có những đóng góp vào kết quả chung của đất nước thời gian qua, đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức DNNN đang phải đối mặt do tình hình trong nước và thế giới; đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị báo cáo có chất lượng, kịp thời trong thời gian ngắn. Hội nghị cùng thống nhất đưa ra thông điệp là: Chung sức đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Tinh thần là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, rủi ro chia sẻ, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp.

2. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN, cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo điều hành sau:

a) Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, ngoài nước những vấn đề đột biến có thể xảy ra, những khó khăn đã tích tụ nhiều năm để kịp thời đưa ra nhiệm vụ, giải pháp, chính sách sát với tình hình thực tế, có tính khả thi và hiệu quả cao.

b) DNNN cần phát huy tối đa nguồn lực đang nắm giữ (với 3,8 triệu tỷ đồng tài sản, đóng góp 29% vào GDP của đất nước) để tập trung phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

c) DNNN cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi, tập trung cho phát triển bền vững của đất nước.

d) Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn, huy động, phát huy nguồn lực của Nhà nước để dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

đ) Phát huy tinh thần đại đoàn kết, bản sắc, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, đạo đức kinh doanh, phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

e) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng DNNN trở thành lực lượng tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt, góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; trong đó tập trung vào đổi mới công tác lãnh đạo của đảng trong DNNN, đổi mới tổ chức Đảng, đổi mới đánh giá, sắp xếp, sử dụng cán bộ cho phù hợp với tình hình.

3. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới đối với các DNNN:

a) Phải tăng cường đóng góp cho xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để cụ thể hóa bằng các đề án, dự án cụ thể.

b) Cơ cấu lại DNNN sát với tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn mà phải tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

c) Tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; chủ động, tích cực tham gia các dự án mang tính đột phá, các dự án lớn đang triển khai như hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, các dự án về chuyển đổi số, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, dự án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long....

d) Tăng cường trách nhiệm đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, các ưu đãi cần thiết, góp phần phát triển nhanh, bền vững, sát với thực tế.

đ) Đề cao đạo đức doanh nhân, trách nhiệm xã hội, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, bảo vệ người yếu thế, người gặp khó khăn, thiên tai, bão lũ; chăm lo, cải thiện đời sống cho công nhân, người lao động.

e) Cùng nhau và cùng với các cơ quan nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.

g) Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ , EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN,...

h) Cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau khi gặp khó khăn, thách thức; cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật.

i) Tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,... góp phần đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, các địa phương và cả nước.

4. Về các nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, bộ, ngành, cơ quan liên quan:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, cùng với DNNN triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên; đặt mình vào địa vị của doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, chung sức đồng lòng với doanh nghiệp vượt qua thách thức, chia sẻ khó khăn, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.... Đề xuất những cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, tinh thần xây dựng chính sách là không cầu toàn, không nóng vội.

b) Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 05 tháng 11 năm 2023 đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 6593/VPCP-PL ngày 25 tháng 8 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ trước ngày 15 tháng 10 năm 2023 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2023.

c) Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phê duyệt/trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc; thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp theo quy định; chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc. Tinh thần là phải mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, nhận thức, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.

d) Các cơ quan đại diện chủ sở hữu khác là các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, kịp thời nắm bắt tình hình tốt hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc lớn, là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, khẩn trương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị các bộ, ngành hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vấn đề phát sinh mới.

đ) Các Bộ, ngành, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xem xét, xử lý hiệu quả, kịp thời các kiến nghị của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các địa phương và DNNN tại Phụ lục đính kèm, thông tin kịp thời kết quả xử lý cho các cơ quan và DNNN nêu trên; đồng thời gửi kết quả tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 12 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp kết quả xử lý các kiến nghị này, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 12 năm 2023 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

e) Các cấp chính quyền (các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan đại diện chủ sở hữu của DNNN là các Bộ, ngành, địa phương) thực hiện cơ chê đinh kỳ 3 tháng tổ chức gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe các DNNN chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng để xử lý kịp thời với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm, hết sức dân chủ.

[...]
1