Loading


Thông báo 501/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp rà soát dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 501/TB-VPCP
Ngày ban hành 01/11/2024
Ngày có hiệu lực 01/11/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 501/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP RÀ SOÁT DỰ THẢO CÁC NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT ĐƯỜNG BỘ VÀ LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Ngày 29 tháng 10 năm 2024, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp rà soát các dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ[1]. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an báo cáo về dự thảo các Nghị định do các Bộ chủ trì xây dựng, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận như sau:

I. Triển khai Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (02 Luật), Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2024. Biểu dương Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo các Nghị định, Quyết định cơ bản bảo đảm tiến độ đã đề ra[2]; biểu dương các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng các dự thảo Nghị định, Quyết định, góp phần cơ bản hoàn thiện nội dung, hình thức văn bản theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều nội dung mới, bao quát, liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, phương thức giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông... vì vậy, trong quá trình xây dựng các Nghị định còn nhiều ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện để các Nghị định khả thi khi được ban hành, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đáp ứng tốt nhất cho công tác quản lý đối với từng lĩnh vực, tăng cường tính minh bạch, công bằng cho người dân, doanh nghiệp thực hiện; đồng thời khắc phục triệt để tính "cát cứ", cục bộ trong xây dựng pháp luật.

II. Để khẩn trương hoàn thiện các Nghị định theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự họp; nghiên cứu, giải trình, làm rõ từng nội dung còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với từng dự thảo Nghị định (trong đó làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn...), hoàn thiện dự thảo các Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 02 tháng 11 năm 2024; cụ thể:

1. Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ; Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đề nghị Bộ Giao thông vận tải:

- Tiếp tục rà soát, thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương quản lý, đầu tư, khai thác, sử dụng, bảo trì (sau đây gọi chung là quản lý) kết cấu hạ tầng đường bộ theo đúng quy định của Luật Đường bộ, theo hướng quy định rõ các điều kiện, tiêu chí đối với từng loại công trình kết cấu hạ tầng do trung ương quản lý[3] và phân cấp cho địa phương quản lý; trường hợp có khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về ngân sách và đầu tư công đối với năm 2025 và thời kỳ ổn định ngân sách 2021-2025 thì xem xét quy định một số nội dung trong điều khoản chuyển tiếp để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư công năm 2025.

- Rà soát các nội dung liên quan đến quản lý đường cao tốc: (i) Việc nâng cấp, mở rộng đường cao tốc theo phương thức PPP theo hướng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chỉ định nhà đầu tư hiện hữu hoặc nhà nước thực hiện...; (ii) Việc nghiên cứu đầu tư trạm dừng nghỉ phải được thực hiện đồng thời trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư dự án.

2. Đối với dự thảo Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ: Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhất là Luật Phòng thủ dân sự; việc cấp phép hàng hóa nguy hiểm loại 5 (chất ô xy hóa) và loại 8 (chất ăn mòn) giao cho Bộ quản lý ngành theo quy định của pháp luật về hóa chất thực hiện cấp phép.

3. Đối với dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe: Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát lại các điều kiện, tiêu chuẩn của sân tập lái, bảo đảm tính kế thừa và phù hợp với thực tiễn quản lý; xe tập lái phải đáp ứng yêu cầu đào tạo, đồng thời phù hợp với yêu cầu về hạng giấy phép lái xe theo quy định; giáo viên dạy thực hành lái xe phải bảo đảm thực hiện khám sức khỏe định kỳ như đối với lái xe kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Công an trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đề nghị Bộ Công an:

- Tập trung rà soát kỹ các nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với các đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông như học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật…; lưu ý bổ sung các nội dung quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục trong việc quản lý học sinh sử dụng phương tiện xe máy tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

- Rà soát, bổ sung các nội dung quy định cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm đầy đủ, liên thông đồng bộ với các cơ quan chức năng khác để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và trật tự, an toàn giao thông, thuận tiện để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện.

- Bổ sung các nội dung quy định về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, tiến tới giảm hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trực tiếp; làm rõ thêm cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với phạm vi, đối tượng phải cấp phép phương tiện giao thông thông minh như ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp (Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đối với việc quản lý phương tiện giao thông thông minh để hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý).

- Nghiên cứu tách nội dung về Quỹ giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ (Chương VII dự thảo Nghị định) thành 01 Nghị định riêng theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 85 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

5. Về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kỹ quy định của 02 Luật, thể hiện các nội dung đổi mới phương thức quản lý, khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải trong thời gian qua; trong đó:

- Rà soát lại các nội dung quy định về lộ trình, hành trình, thời gian và điều kiện cho xe xuất bến, bãi, khắc phục tình trạng "xe dù, bến cóc", xe kinh doanh vận tải chèn ép nhau và chèn ép hành khách... gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông và cạnh tranh không lành mạnh.

- Rà soát bổ sung nội dung quy định về xây dựng, ban hành quy chuẩn về điểm dừng, điểm đỗ xe trên hành trình theo hướng từng điểm dừng, đỗ phải bảo đảm an toàn giao thông, có mái che, an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường và có đầy đủ thông tin về hành trình của phương tiện đi/đến... để hành khách dễ tiếp cận và bảo đảm minh bạch trong hoạt động kinh doanh vận tải.

- Rà soát lại các thuật ngữ trong dự thảo Nghị định, bảo đảm tính phổ thông, dễ hiểu; rà soát bảo đảm sự phù hợp với các quy định của pháp luật và các Điều ước quốc tế có liên quan.

6. Giao Văn phòng Chính phủ tiếp tục thẩm tra, rà soát các dự thảo Nghị định, báo cáo Lãnh đạo Chính phủ trước ngày 05 tháng 11 năm 2024 để xin ý kiến Thành viên Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ; đồng thời phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị (do Phó Thủ tướng chủ trì) với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhóm đối tượng chịu tác động của chính sách để tham vấn thêm trong quá trình hoàn thiện các Nghị định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan: CA, QP, GTVT, KHĐT, TP, TC, CT, Y tế, GDĐT, TNMT, KHCN, TTTT, NN&PTNT, NG, Ngân hàng NNVN;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục: TH, PL, KTTH, NC, QHQT, KGVX, KSTT;
- Lưu: VT, CN. pvc

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 


[1] Buổi sáng ngày 29/10/2024 rà soát 03 NĐ: (i) NĐ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ; Điều 77 Luật TTATGT đường bộ; (ii) NĐ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc táp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ; (iii) NĐ quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe. Buổi chiều ngày 29/10/2024 rà soát 02 NĐ: (i) NĐ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật TTATGT đường bộ; (ii) NĐ quy định về hoạt động vận tải đường bộ.

[2] Bộ Công an đã trình CP 04/04 Nghị định; Bộ GTVT đã trình CP 06/07 Nghị định và 01 Quyết định của TTgCP.

[...]
6